Phòng khám ở Mỹ quyên tiền đưa phụ nữ đi nơi khác phá thai

Phòng khám phá thai duy nhất ở Tây Virginia đã buộc phải đóng cửa dịch vụ này sau lệnh cấm. Các nhân viên đã quyên góp được 75.000 USD để đưa bệnh nhân đi tới bang khác phá thai.

Theo AP, Trung tâm Y tế Phụ nữ (Women's Health Center) ở Tây Virginia đã buộc phải dừng các dịch vụ phẫu thuật phá thai sau khi có phán quyết cấm phá thai từ Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6.

Đây là phòng khám phá thai duy nhất ở Tây Virginia và dịch vụ phá thai chiếm 40% doanh thu của phòng khám này. Quyết định mới đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của các nhân viên làm việc ở đây.

Ngay khi quyết định được đưa ra, phòng khám đã liên hệ với bệnh nhân để hủy lịch hẹn phá thai.

 Phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai duy nhất ở Tây Virginia buộc phải dừng hoạt động này từ hôm 24/6. Ảnh: AP.

Phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai duy nhất ở Tây Virginia buộc phải dừng hoạt động này từ hôm 24/6. Ảnh: AP.

Kaylen Barker, người xử lý truyền thông của phòng khám, nói với AP rằng: "Ngày thứ hai đầu tiên sau lệnh cấm, trở lại phòng khám, chúng tôi đã bối rối khi không biết mình phải làm gì. Thật buồn khi quay lại và nhận ra rằng mình không thể tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân như trước và phải giới thiệu họ đến những nơi khác. Đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm bây giờ".

Katie Quinõnez, giám đốc điều hành của phòng khám, cho biết phán quyết mới thực sự giáng một đòn nặng nề vào tâm lý nhân viên. "Nhân viên của chúng tôi cần thời gian và không gian để vượt qua được mất mát này".

Khi 40% doanh thu từ dịch vụ phá thai của phòng khám bị mất bởi lệnh cấm, Quinõnez tập trung vào duy trì các hoạt động khác của trung tâm. Cô khuyến khích mọi người đăng ký chăm sóc phụ khoa và mở ra các dịch vụ mới, bao gồm liệu pháp hormone và phòng chống HIV.

Cuối tuần qua, phòng khám đã kêu gọi quyên góp được 75.000 USD cho quỹ phá thai. Nhân viên sẽ dùng số tiền này để hỗ trợ đưa bệnh nhân đến các phòng khám ở tiểu bang khác, nơi phá thai vẫn còn hợp pháp, để thực hiện phẫu thuật.

 Người dân biểu tình chống lại phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ hôm 25/6. Ảnh: New York Times.

Người dân biểu tình chống lại phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ hôm 25/6. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi đã mệt mỏi, suy kiệt và căm giận. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Tôi muốn trấn an mọi người rằng dù bây giờ chúng ta cảm thấy tăm tối và vô vọng thế nào, đây chưa phải kết thúc", Quinõnez nói.

Sau phán quyết hôm 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã trả lại quyền quyết định cho các bang. Trong khi một số bang lập tức áp dụng lệnh cấm phá thai, một số bang khác khẳng định tiếp tục tôn trọng quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ.

Bang Utah là một trong những bang đầu tiên cấm phá thai, thực hiện ngay trong tối ngày Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết.

Đối với Ohio, phụ nữ tại bang này sẽ không được phá thai khi nhịp tim thai được phát hiện. Quy định này được gọi là dự luật "nhịp tim", cấm phá thai khi thai được 6 tuần tuổi, đã được thực hiện từ năm 2019.

Ngay sau phán quyết hôm 24/6, một thẩm phán liên bang đã đồng ý xóa bỏ lệnh của Tòa án Liên bang ngăn chặn luật này trước đó.

"Giờ đây, những người từ bang muốn phá thai sẽ bị buộc phải đi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm sang các tiểu bang khác để không vi phạm pháp luật", Quinõnez nói sau khi dịch vụ phá thai của phòng khám tại Tây Virginia phải ngừng lại.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-kham-o-my-quyen-tien-dua-phu-nu-di-noi-khac-pha-thai-post1332410.html