Phòng Khoa học Quân sự BĐBP: 60 năm xây dựng và phát triển

Trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu các vấn đề có tính chất cơ bản, lâu dài về lý luận khoa học quân sự biên phòng, bảo vệ nội địa và tổng kết tình hình xây dựng, chiến đấu của lực lượng, nghiên cứu biên soạn điều lệnh, điều lệ, quy chế bảo vệ biên giới, ngày 4/5/1963, Bộ Công an ra Quyết định số 309-CA/QĐ về việc thành lập Phòng Nghiên cứu thuộc Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Phòng Khoa học quân sự BĐBP).

Phòng Khoa học quân sự BĐBP giao ban triển khai công tác tháng 5/2023. Ảnh: Phòng Khoa học quân sự BĐBP

Phòng Khoa học quân sự BĐBP giao ban triển khai công tác tháng 5/2023. Ảnh: Phòng Khoa học quân sự BĐBP

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, qua các lần thay đổi tên gọi khác nhau nhưng chức năng, nhiệm vụ của Phòng cơ bản ổn định và thống nhất, đó là: Tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBPlãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường, tổng kết, biên soạn lịch sử, thông tin khoa học quân sự trong toàn lực lượng BĐBP.

Cùng với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP, công tác khoa học quân sự trong BĐBP ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng ủy BĐBP ban hành nghị quyết chuyên đề, Bộ Tư lệnh BĐBP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, thông tin khoa học quân sự và lịch sử quân sự theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sát với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của BĐBP. Phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng Khoa học và công nghệ, Ban Chỉ đạo 126, Ban Chỉ đạo 92/Bộ Tư lệnh BĐBP; tổ chức hàng trăm buổi hội thảo, đánh giá, nghiệm thu đề tài... Tham mưu tổ chức nghiên cứu, biên soạn 5 tập Điều lệnh tác chiến BĐBP; Điều lệnh chiến đấu BĐBP và tổ chức nghiên cứu, biên soạn hệ thống tài liệu huấn luyện, giáo trình, tài liệu dạy học trong BĐBP.

Hai là, tham mưu tổ chức nghiên cứu thành công hàng trăm công trình khoa học các cấp (cấp Quốc gia, cấp Bộ và cấp ngành), qua đó góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ BGQG. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG.

Ba là, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Đến nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ của BĐBP có 27 Giáo sư, Phó Giáo sư, 114 Tiến sĩ, 447 Thạc sĩ.

Bốn là, quản lý, phát huy vai trò của thư viện và hoạt động thông tin khoa học quân sự. Biên tập, phát hànhTạp chí Khoa học Biên phòng, “Bản tin Khoa học quân sự phục vụ lãnh đạo” với nội dung chuyên sâu mang tính thời sự, khoa học, chính xác, góp phần tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, nghiệp vụ; tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đề ra chủ trương, giải pháp quản lý, bảo vệ BGQG.

Năm là, quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị nghiên cứu biên soạn hàng trăm công trình lịch sử đạt chất lượng cao, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, bồi dưỡng, phát huy tinh thần tự hào đối với thành tích của BĐBP và của cơ quan, đơn vị.

Có được những thành tích trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng, đặc biệt là sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Phòng Khoa học quân sự BĐBP qua các thời kỳ.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng căng thẳng. Trên biên giới, hoạt động vi phạm hiệp định vẫn xảy ra; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chứcxuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, mua bán người… ngày càng diễn biến phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG. Phát huy thành tích đã đạt được, Phòng Khoa học quân sự xác định tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, phát huy vai trò của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”. Thường xuyên củng cố, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất giữa lãnh đạo - chỉ huy, giữa cấp trên - cấp dưới trong nội bộ. Chú trọng đổi mới phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên, góp phần nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, tiếp tục quán triệt và tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác khoa học quân sự, trực tiếp là Kế hoạch số 777/KH-BTLBP ngày 24/3/2023 của Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, đẩy mạnh thực hiện công tác khoa học quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học. Thường xuyên cập nhật sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại; tăng cường nghiên cứu, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ BGQG, Luật Biên phòng Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ BGQG, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhiệm vụ khoa học quân sự; xây dựng và mở rộng cơ sở dữ liệu về các đề án, đề tài, nhiệm vụ, hệ thống điều lệnh, điều lệ, tài liệu huấn luyện, giáo trình, tài liệu dạy học…

Năm là, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học; quan tâm đổi mới chế độ, chính sách nhằm thu hút, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học (nhất là số có chức danh khoa học, học vị tiến sĩ) và những cán bộ chỉ huy có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cơ sở, tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ghi nhận những công lao đóng góp và thành tích vẻ vang, Phòng Khoa học quân sự BĐBP đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2006); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh BĐBP tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; đơn vị nhiều lần đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, “Đơn vị tiên tiến”; nhiều cá nhân được khen thưởng và đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Chiến sĩ tiên tiến”...

Đại tá, Tiến sĩ Vũ Đình Liêm, Trưởng phòng Khoa học quân sự BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-khoa-hoc-quan-su-bdbp-60-nam-xay-dung-va-phat-trien-post460913.html