Phòng không Nga sẽ 'đón tiếp' F-16 bằng hệ thống Pantsir-S1

Việc Ukraine sắp nhận những tiêm kích trứ danh F-16 và có thể sớm tung vào chiến trường đã được phía Nga dự liệu và lên kế hoạch đối phó, với nhiều loại vũ khí phòng không tiên tiến. Một trong số đó là hệ thống tên lửa kết hợp pháo cao Pantsir-S1.

Khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu, tổ hợp tên lửa và súng phòng không Pantsir-S1 thuộc cánh quân “Vostok” (Miền Đông) của Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine.

Các sĩ quan Nga cho biết, hệ thống Pantsir-S1 đang cho thấy khả năng tác chiến xuất sắc và hoàn toàn có thể tiêu diệt F-16 nếu những chiếc tiêm kích này tham chiến tại Ukraine.

Pantsir-S1 đã chứng tỏ hiệu quả trong việc đánh chặn các mục tiêu khác nhau như tên lửa HIMARS, ATACMS, Storm Shadow và các loại UAV. Hệ thống này cực kỳ đáng tin cậy và liên tục được hiện đại hóa. Những chiếc F-16 đang được quảng cáo rầm rộ nhưng với chúng tôi, sự xuất hiện của những chiếc máy bay này phải điều gì mới mẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc như đã làm: bắn hạ tất cả tên lửa mà F-16 mang theo và cũng sẽ bắn hạ F-16 nếu nó rơi vào tầm ngắm.

Theo một sĩ quan Nga điều hành khẩu đội Pantsir-S1 có tên Maxim.

Pantsir là một hệ thống tên lửa tên lửa đất đối không tầm trung tự hành kết hợp với pháo phòng không. Mỗi hệ thống Pantsir gồm ba thành phần: xe chở bệ phóng tên lửa kết hợp với pháo phòng không, xe radar và trạm chỉ huy.

Pantsir-S1 mang theo tối đa 12 tên lửa đất đối không dẫn đường bằng vô tuyến/ quang học hai tầng nhiên liệu rắn 57E6 hoặc 57E6-E trong các ống chứa kín sẵn sàng phóng. Các tên lửa được sắp xếp thành hai nhóm sáu ống trên tháp pháo.

Tên lửa của Pantsir-S1 có có thể đạt tốc độ Mach 3,8 và chứa đầu đạn nổ liên tục nhiều thanh/ phân mảnh, cũng như ngòi nổ tiếp xúc và tiếp cận. Tên lửa không được trang bị đầu dò để giữ chi phí tiếp cận mục tiêu ở mức thấp.

Một hệ thống Pantsir-S1 đang khai hỏa tên lửa đất đối không. Ảnh: EurAsian Times

Một hệ thống Pantsir-S1 đang khai hỏa tên lửa đất đối không. Ảnh: EurAsian Times

Thay vào đó, việc theo dõi mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa được cung cấp thông qua hệ thống cảm biến đa băng tần của hệ thống. Dữ liệu dẫn đường được gửi qua liên kết vô tuyến cho tối đa 4 tên lửa đang bay.

Hệ thống này có khả năng theo dõi và dẫn đường cho 4 tên lửa bắn vào 4 mục tiêu riêng biệt ở độ cao lên đến 18 km và tầm bắn 20 km. Các chuyên gia cho biết, tên lửa 57E6 có xác suất tiêu diệt mục tiêu là 70–90%.

Ngoài ra, sức mạnh của Pantsir-S1 còn đến từ hai khẩu pháo tự động 2A38M 30 mm được trang bị 700 viên đạn/ khẩu với nhiều loại đạn khác nhau: đạn nổ phá mảnh HE (High Explosive), đạn phá mảnh đánh dấu và đạn xuyên giáp có đánh dấu.

Với tốc độ bắn tối đa là 2.500 viên/phút và tầm bắn 4 km, hai khẩu pháo này có thể tạo ra một màn mưa đạn giúp đánh chặn hiệu quả tên lửa hoặc máy bay không người lái của đối phương.

Với những tính năng ưu việt như trên, Pantsir-S1 sẽ là một đối thủ đáng gờm mà F-16 phải đối mặt nếu loại tiêm kích này tham chiến tại Ukraine trong thời gian tới đây.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phong-khong-nga-se-don-tiep-f-16-bang-he-thong-pantsir-s1-252598.htm