Phòng ngừa 'bà hỏa' dịp cuối năm
Cuối năm, thời tiết thường hanh khô, dịp này, các cơ sở, hộ kinh doanh tích trữ hàng hóa phục vụ Tết… nguy cơ cháy nổ tăng cao. Để phòng ngừa 'bà hỏa', bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm quy định an toàn về phòng, cháy chữa cháy (PCCC).
Miền Bắc trải qua đợt khô hanh kéo dài luôn tiềm ẩn xảy ra các vụ cháy nổ. Mới đây nhất, ngày 15-11, tại thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy. Cụ thể, vào hồi 15 giờ 50 phút, vụ cháy xảy ra tại khu vực xưởng sản xuất Công ty TNHH bao bì Việt Thắng, ở xã Đông La, huyện Hoài Đức. Tiếp đó, khoảng 17 giờ cùng ngày, cháy xảy ra khu vực nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở làng nghề Chàng Sơn 1, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng đến hiện trường dập tắt đám cháy. Cả hai vụ cháy không có thiệt hại về người; thiệt hại và nguyên nhân cháy đang được cơ quan chức năng thống kê, điều tra làm rõ.
Theo thống kê của Công an tỉnh Tuyên Quang, 11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, rất may không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước khoảng 1,3 tỷ đồng và 4,8 ha rừng. Qua đánh giá, số vụ cháy nổ trên địa bàn cơ bản được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 1 vụ), cháy không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả trên là do sự nỗ lực, quyết liệt của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong kiểm soát và phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện có gần 6.200 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong đó, có 330 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; 1.384 cơ sở do cơ quan công an quản lý và gần 4.800 cơ sở chủ yếu là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh do UBND cấp xã quản lý. Điều này cho thấy, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, đặc biệt là dịp cuối năm nếu lơ là trong công tác phòng ngừa.
Gia đình chị Hà Thị Thu, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) có nhà ở, kết hợp bán hàng tạp hóa. Chị Thu chia sẻ, dịp cuối năm chị tích trữ khá nhiều hàng hóa, trong đó có đồ dễ cháy, dễ bắt lửa. Nhiều lúc, gia đình cũng khá chủ quan trong phòng ngừa cháy, nổ. Vừa qua, lực lượng Công an xã đã xuống kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở gia đình chị cách sắp xếp hàng hóa không che chắn lối đi, để xa ổ điện, nơi nấu ăn phòng ngăn ngừa cháy lan. Gia đình chị cũng đã trang bị 2 bình cứu hỏa xách tay. Cùng với đó, chị luôn nhắc nhở người thân cẩn trọng khi sử dụng nguồn điện, nguồn lửa đề phòng ngừa hỏa hoạn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Theo Thượng tá Đỗ Hồng Kiên, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, thông lệ, dịp cuối năm, nguy cơ cháy nổ tăng cao do đây là mùa khô hanh kéo dài, các vật liệu khô dễ bắt lửa, các hộ kinh doanh tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường lễ, tết; tình trạng đốt vàng mã, thắp hương tăng lên; mọi người công việc bận rộn dễ lơ là… Dịp này, lực lượng Công an sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở, người dân chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC.
Để chung tay phòng ngừa hỏa hoạn, cơ quan Công an đề nghị, các chủ cơ sở, người dân thường xuyên kiểm tra, thay thế các dây, thiết bị điện hỏng hóc tránh để xảy ra sự cố chập điện gây ra cháy. Người dân không nên tích trữ xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cần sắp xếp hàng hóa hợp lý, không che chắn lối đi và có biện pháp ngăn cháy lan. Các gia đình cần lưu ý, bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy và chỉ đốt đèn, nến, thắp hương, đốt vàng mã khi có người ở nhà và có người trông coi. Mỗi gia đình cần trang bị bình chữa cháy, thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho các thành viên biết sử dụng dụng cụ chữa cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-ngua-ba-hoa-dip-cuoi-nam-202362.html