Phòng ngừa cháy chợ và trung tâm thương mại dịp áp Tết nguyên đán như thế nào?

Một câu hỏi thường lặp lại vào dịp cuối năm, đó là tại sao số vụ cháy chợ và trung tâm thương mại thời điểm này thường tăng và dễ xảy ra?... Theo lực lượng chức năng cho biết, nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu do chập điện.

Vụ cháy chợ Nhật Tân, Hà Nội có nguyên nhân do chập điện

Vụ cháy chợ Nhật Tân, Hà Nội có nguyên nhân do chập điện

Để phòng ngừa hiệu quả hỏa hoạn, hạn chế tối đa cháy, nổ xảy ra vào dịp cuối năm và áp Tết nguyên đán tại các chợ và trung tâm thương mại, các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khuyến cáo...

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Rất dễ để nhận thấy nguy cơ cháy, nổ tại các chợ và trung tâm thương mại, siêu thị vào dịp cận Tết. Thời điểm này, thông thường số người hoạt động tại các điểm nói trên đông đúc hơn, số hàng hóa tập kết nhiều hơn ngày thường. Chỉ 2 yếu tố đó cũng đã cho thấy tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong khi đó yếu tố thời tiết hanh khô cũng là nguyên nhân chính,dễ gây cháy lớn.

Dạo qua một số khu chợ và trung tâm thương mại lớn nằm ở nội đô, phóng viên ANTĐ nắm được nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, các trung tâm thương mại, chợ đều tích lũy nhiều mặt hàng thiết yếu, trưng bày nhiều, đa dạng hơn và đây là hành động “tiếp tay” cho hỏa hoạn.

Sự giới hạn hàng hóa theo quy định đã không được chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ và thời điểm này họ đã biến nơi bán hàng thành chỗ tập kết một số lượng hàng hóa lớn, đúng nghĩa như “kho” hàng, trong khi thực tế đây không phải là kho. "Số lượng hàng hóa càng lớn thì những trang thiết bị về điện phục vụ bảo quản càng cao, do vậy những cỗ máy vốn thiết kế có giới hạn thì giờ đây phải gồng mình hoạt động “quá sức” trong thời gian dài. Khi hoạt động quá tải các thiết bị điện, máy móc sẽ dễ chập cháy, gây cháy lan vào hàng hóa rồi phát sinh cháy lớn", Chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội phân tích.

Còn nhớ, vụ cháy siêu thị ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vào cuối tháng 12-2018 đã thiêu rụi nhiều tài sản, rất may bảo vệ đã kịp thoát nạn. Nguyên nhân được cơ quan Công an kết luận do chập điện cháy tủ đông lạnh, dẫn đến cháy lan ra toàn bộ các gian hàng. Được biết, khi tường trình với cơ quan chức năng, người đại diện siêu thị đã cho biết tủ đông lạnh cắm điện hoạt động trong nhiều năm, nhưng chưa được bảo dưỡng, bảo trì.

Chập điện gây cháy siêu thị ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ

Chập điện gây cháy siêu thị ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ

Nói về những nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn tại các chợ, trung tâm thương mại dịp áp Tết, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy lớn và một trong số đó là ý thức của con người. Đầu tiên là sự chấp hành về an toàn PCCC của các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, chợ không đầy đủ, đồng hành cùng với sự chủ quan, ỉ lại những thiết bị điện được cho là tốt và bỏ qua khâu kiểm tra trực quan về an toàn PCCC một cách thường xuyên của con người. Thêm vào đó là sự lơ là bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc và những vi phạm trong việc bố trí, sắp xếp hàng hóa dày đặc, không đúng khoảng cách nên khi xảy cháy thường cháy lan, cháy lớn".

Tăng cường phòng ngừa

Vậy, cháy chợ nguyên nhân do đâu? Từ ghi nhận thực tế tại chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân, Châu Long… của phóng viên ANTĐ, đã phát hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rình rập trong thời gian cuối năm. Với những khu chợ chủ yếu bán các mặt hàng vải vóc, quần áo, đồ dễ bén lửa như Ninh Hiệp, Đồng Xuân, ý thức về an toàn PCCC vẫn còn bị xem nhẹ. Các gian hàng ken kín, trong khi các thiết bị, tiêu lệnh PCCC thì bị khuất tầm nhìn, thậm chí bị hàng hóa vây kín. Tại chợ Châu Long, chúng tôi chứng kiến nhiều người còn chủ quan dùng ổ cắm đấu nối dây điện chằng chịt khắp nơi...

Vụ cháy chợ Sóc Sơn đã thiệt hài hàng trăm tỷ đồng

Vụ cháy chợ Sóc Sơn đã thiệt hài hàng trăm tỷ đồng

Hẳn bạn đọc Báo ANTĐ còn nhớ vụ cháy chợ Sóc Sơn vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Vụ cháy này đã thiêu rụi hàng chục gian hàng và tài sản có giá trị, làm các tiểu thương điêu đứng đến tận bay giờ. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn này được cơ quan chức năng kết luận do chập điện. Bình thường ai cũng nghĩ bóng đèn tuýp, hoặc bộ đổi nguồn của hệ thống bơm bể cá cảnh không thể nào cháy được. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ chủ quan bởi tất cả thiết bị điện có thể chập và nung nóng gây cháy khi vật gần nó là các chất dễ cháy như vải vóc, ni lông, nhựa…

Cũng theo phân tích của các "chuyên gia" PCCC - CATP Hà Nội, vào những ngày áp Tết, ai cũng vất vả, tất bật và sự mệt nhọc khiến con người ta lơ là ý thức PCCC. Một nguyên nhân khác là vì lợi nhuận khiến tiểu thương liều hơn, bất chấp sự nguy hiểm do hỏa hoạn để tăng cường các thiết bị, máy móc... rồi sử dụng chung ổ điện nhưng dây dẫn nối chỉ đạt công suất bằng một nửa số thiết bị cần tiêu thụ, đã dẫn đến chập cháy.

Nhắc lại vụ cháy xảy ra năm 2014, tại khu nhà tạm gần khách sạn La Thành, phường Liễu Giai, quận Ba Đình đã khiến 1 người tử vong, là bài học đau xót về sự chủ quan, coi thường công tác PCCC. Nguyên nhân vụ cháy này được cơ quan chức năng kết luận khiến nhiều người bàng hoàng, bởi điểm xuất phát cháy bắt đầu từ dây sạc điện máy tính xách tay. Dây sạc sau khi nạp đầy điện cho máy tính xách táy đã được chủ nhân rút ra khỏi máy tính, nhưng một đầu vẫn cắm vào ổ điện, đầu còn lại do sơ ý của người sử dụng đã để chạm vào nơi có nước dưới nền nhà trọ dẫn đến chập cháy trong đêm...

Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng CAQ Ba Đình, Hà Nội, người phụ trách trực tiếp công tác PCCC và CNCH phân tích: “Công tác PCCC được nhiều người cho rằng là trách nhiệm của lực lượng Công an và cứ nơi nào được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định sẽ không xảy ra cháy. Suy nghĩ không đúng, bởi công tác PCCC là của toàn dân. Nếu khu dân cư có 30 hộ, 29 hộ có ý thức chấp hành an toàn PCCC những 1 hộ chưa chấp hành, hoặc chấp hành không tốt thì vẫn có nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Hay như việc nghiệm thu về PCCC tại các công trình công cộng, nhà chung cư đã được thực hiện, nhưng vẫn có thể xảy ra cháy bởi sự chủ quan, thiếu ý thức chấp hành an toàn PCCC của người dân trong ăn ở, sinh hoạt…”.

Nhận diện và chỉ rõ nguyên nhân, tồn tại để giảm thiểu và phòng ngừa tốt hơn các vụ cháy, nổ, Cơ quan Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn cho người dân, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học, chợ… về công tác PCCC, CNCH. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội luôn thực hiện phương châm "phòng ngừa là chính, chữa cháy hiệu quả bằng phát huy sức mạnh, nguồn lực từ cơ sở, tại chỗ". Thực tế cho thấy, ban đầu các lớp tập huấn về PCCC chưa được người dân hưởng ứng nhiều, nhưng với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, hiện nay các lớp này đã quy được mọi người dân tham gia.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Hàng năm, số người tham gia tập huấn ngày một đông, nhiều cơ sở đã xin lực lượng Công an bổ sung thêm lớp tuyên truyền, tập huấn PCCC cho đơn vị, cơ sở kinh doanh của mình để trang bị kỹ năng, nâng cao ý thức về an toàn PCCC. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhận thức về công tác PCCC của người dân đã chuyển biến tốt lên”.

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập PCCC và CNCH tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập PCCC và CNCH tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong dịp áp Tết, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo:

Đối với các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt ngay từ khi mới phát sinh.

Tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.

Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ như pháo, pháo hoa; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas tại nơi sinh hoạt, buôn bán ở vị trí không đủ điều kiện.

Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt như tủ điện, ổ cắm điện… ít nhất khoảng cách 0,5m.

Đức Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-ngua-chay-cho-va-trung-tam-thuong-mai-dip-ap-tet-nguyen-dan-nhu-the-nao-post455004.antd