Phòng ngừa cháy, nổ cuối năm
Thời gian vừa qua, lực lượng công an và chính quyền các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã điều tra cơ bản, kiểm tra, rà soát toàn diện, hiệu quả các mặt về công tác phòng cháy, chữa cháy. Các địa bàn có nhiều nhà tập thể, chung cư cũ, chung cư cao tầng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ được chú trọng tăng cường công tác này.
Quá trình thực hiện đã xuất hiện một số mô hình sáng tạo như quận Ba Đình thành lập 43 tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy, 124 điểm chữa cháy công cộng và trao tặng 1.702 bình chữa cháy cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) vận động các hộ gia đình tại nhà chung cư, tập thể cũ cắt mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm và trang bị 100% bình chữa cháy tại gia đình.
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là địa bàn có mật độ nhà cao tầng lớn nhất thành phố, dân cư đông. Công an phường Hoàng Liệt thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại các khu nhà cao tầng, thành lập 104 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; lắp đặt và đưa vào hoạt động 131 điểm chữa cháy công cộng…
Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn diễn biến khó lường. Một phần do việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận nhân dân chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, chưa giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện...
Bên cạnh đó, việc xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng cơ sở còn lúng túng, kỹ năng thoát nạn của nhân dân còn hạn chế, dẫn đến các sự cố cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vào dịp cuối năm, tại các khu chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường chứa nhiều nguyên, vật liệu, hàng hóa và chất dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ cao.
Trong dịp lễ, Tết, nhiều gia đình, nhóm bạn bè tụ tập ăn uống, liên hoan, những bất cẩn trong quá trình đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã là những nguyên nhân có thể gây ra hỏa hoạn.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phát sinh cháy, nổ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngay trong thời điểm này, các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; tăng cường tuần tra, nhất là vào ban đêm để kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.
Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động tiểu thương, hộ kinh doanh bảo đảm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun để khắc phục những nguy cơ gây cháy.
Tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cẩn trọng trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, tháo dỡ các công trình lấn chiếm lối, đường thoát nạn và mở lối thoát nạn thứ hai trong công trình. Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người chung quanh, ngắt nguồn điện, sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa, đồng thời gọi số điện thoại 114 để Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến xử lý kịp thời.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phong-ngua-chay-no-cuoi-nam-post852758.html