Phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ dịp Tết

Gần Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đáp ứng nhu cầu đó, tiểu thương tại các chợ nhập và dự trữ hàng hóa số lượng lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Bởi vậy, việc chủ động phòng, chống cháy nổ tại các chợ rất cần thiết.

Cán bộ BQL chợ Vĩnh Yên hướng dẫn tiểu thương sử dụng bình cứu hỏa

Cán bộ BQL chợ Vĩnh Yên hướng dẫn tiểu thương sử dụng bình cứu hỏa

Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở

Ngày 31/10/2021, tại chợ trung tâm thị trấn Vĩnh Tường, vụ hỏa hoạn khiến 9 ki ốt bị cháy, trong đó, có 5 ki ốt bị thiêu rụi hoàn toàn với diện tích 250m2 gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thời điểm cận Tết, số lượng hàng hóa tập trung tại các chợ tăng gấp 3 - 4 lần, lượng người, xe cộ ra - vào chợ hằng ngày mua sắm Tết lên tới hàng nghìn lượt người. Trong khi đó, tại chợ tập trung nhiều loại hàng hóa dễ phát sinh cháy nổ như quần áo, chăn ga, gối, hàng mã, đồ điện tử, giầy dép, đồ trang trí Tết bằng vải, giấy, nhựa…

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, cùng với nguyên nhân một số chợ đã xuống cấp, chưa được cải tạo, xây mới; hạ tầng về PCCC còn thiếu thì vẫn còn không ít hộ kinh doanh có tâm lý lơ là, chủ quan hoặc thiếu kiến thức về PCCC.

Vẫn có tình trạng tiểu thương sử dụng bếp ga, bếp than, hút thuốc lá tại quầy hàng hoặc tự ý cơi nới quầy sạp, sử dụng điện không an toàn dẫn đến chập điện, cháy, nổ.

Để tăng cường công tác PCCC tại các chợ vào dịp Tết, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tiểu thương về công tác PCCC; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức cho hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng BQL chợ Đồng Tâm cho biết: Một trong những khó khăn về công tác PCCC là hạ tầng của chợ đã xuống cấp. Chợ đã từng xảy ra cháy năm 2011 gây thiệt hại lớn về tài sản. Chính vì vậy BQL chợ luôn đặt công tác PCCC lên hàng đầu, trong đó, xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT và phòng, chống cháy nổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tổ chức tuyên truyền, phát loa, cảnh báo, nhắc nhở về công tác PCCC đối với hộ kinh doanh và người dân khi mua sắm để nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC; hướng dẫn tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC; yêu cầu không kinh doanh, tàng trữ trái phép pháo, vật liệu nổ, vật liệu dễ cháy.

Bên cạnh đó, BQL trực 24/24 giờ, ngắt cầu giao điện khi tan chợ và chú trọng bổ sung trang thiết bị cứu hỏa như bình chữa cháy, máy bơm nước; tập huấn cho tiểu thương thực hành dập lửa, ứng phó với chập điện.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Tâm cho biết: "Nếu xảy ra cháy, người chịu thiệt hại đầu tiên là chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi có ý thức chấp hành mọi quy định về PCCC do BQL chợ đề ra; chủ động trang bị bình cứu hỏa ở mỗi gian hàng; không sử dụng lửa, thắp hương ở chợ; để đồ, treo móc quần áo xa thiết bị điện và khu vực ổ điện; thay vách dán tường chất liệu nhựa bằng chất liệu kim loại để ngăn không cháy lan nếu xảy ra hỏa hoạn".

Thành lập đội phản ứng nhanh, tập huấn kỹ năng

Tại chợ Vĩnh Yên, mặc dù đã đầu tư thiết bị PCCC đầy đủ nhưng BQL chợ và các tiểu thương vẫn rất cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống cháy, nổ. Ông Mai Xuân Tợi, Trưởng BQL chợ cho biết: Hiện, chợ Vĩnh Yên có 900 hộ kinh doanh, trong đó, hơn 300 hộ kinh doanh quần áo, chăn ga, giày dép, vàng mã, đồ thờ cúng… là những mặt hàng dễ bén lửa, chập cháy.

Để ngăn ngừa cháy, nổ, BQL phân chia từng khu vực kinh doanh; thường xuyên nhắc nhở, quán triệt hộ kinh doanh sắp xếp hàng hóa hợp lý, gọn gàng, không tự ý kéo dây, lắp đặt bóng điện tại các quầy hàng, ki ốt.

BQL chợ thành lập Đội “Phản ứng nhanh” trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra vào ban đêm, ngày nghỉ, lễ, Tết nhằm hỗ trợ kịp thời các tiểu thương khi có sự cố xảy ra.

Hằng năm, BQL chợ đều phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tập huấn cho 23 tổ trưởng đại diện các ngành hàng và các tiểu thương kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC; bổ sung các thiết bị PCCC; tổ chức diễn tập PCCC để biết cách ứng phó với các tình huống nếu có cháy xảy ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC dịp cuối năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường thực hiện công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; phòng, chống cháy nổ.

Đối với các chợ, đã tổ chức ký cam kết và tập huấn kiến thức về PCCC cho tiểu thương; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống cháy, nổ.

Đối với lực lượng PCCC chuyên nghiệp, yêu cầu bố trí phương tiện, tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và chủ động kịch bản ứng phó với các tình huống, phối hợp ngăn chặn cháy, nổ với phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó đảm bảo tài sản, tính mạng cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi.

Bài, ảnh: Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72650/phong-ngua-chay-no-tai-cac-cho-dip-tet.html