Phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan B, C ở bệnh nhân HIV/AIDS

Đồng nhiễm viêm gan B, C sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong, trở nặng đối với bệnh nhân HIV, kể cả người đang điều trị với thuốc ARV. Do đó, cần chủ động phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan virus ở bệnh nhân HIV hiệu quả.

1. Sàng lọc đồng nhiễm viêm gan B, C, HIV còn nhiều trở ngại

Nhiễm viêm gan B (VGB) chiếm khoảng 5-20% trong số 36 triệu người mắc HIV trên thế giới. Đồng nhiễm viêm gan C (VGC) với HIV chiếm 5-15%, nhưng tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan C lại lên đến 90% đối với người tiêm chích ma túy. Đồng nhiễm viêm gan virus sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong và trở nặng đối với bệnh nhân HIV, kể cả người đang điều trị với thuốc ARV.

PG.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: Đồng nhiễm virus viêm gan B và C có thể xảy ra trên bệnh nhân HIV, bởi có chung đường lây truyền. Hiện nay, vấn đề sàng lọc đồng nhiễm các virus nêu trên đã được thực hiện rất tốt nhưng vẫn còn không ít trở ngại.

Không ít trường hợp nhiễm HIV, VGB, VGC không muốn công khai bệnh, thậm chí họ còn giấu bệnh với cả nhân viên y tế. Khi đi khám bệnh, người nhiễm HIV được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm kiểm tra thêm về tình trạng nhiễm HBV và HCV nhưng họ từ chối vì e ngại. Đây là vấn đề rất nguy hiểm vì khi bản thân người bệnh họ không tự nguyện đi kiểm tra thì chúng ta rất khó vì không thể bắt buộc họ được.

Khám, tư vấn và sàng lọc tốt cho bệnh nhân là một trong những biện pháp quản lý bệnh hiệu quả.

Khám, tư vấn và sàng lọc tốt cho bệnh nhân là một trong những biện pháp quản lý bệnh hiệu quả.

2. Biện pháp chẩn đoán đồng nhiễm VGB, VGC ở bệnh nhân HIV

Phương pháp chẩn đoán viêm gan B mạnbệnh nhân HIV, tùy theo giai đoạn:

- Giai đoạn viêm gan B mạn: Kết quả xét nghiệm HBsAg + trên 6 tháng.

- Giai đoạn viêm gan virus B mạn tiến triển: Kết quả xét nghiệm HBsAg + > 6 tháng, kèm chỉ số AST và ALT tăng hơn 2 lần giá trị bình thường. Chỉ số này tăng từng đợt hoặc tăng liên tục > 6 tháng hoặc có bằng chứng cho thấy tình trạng tổn thương mô bệnh học tiến triển ở gan, xơ gan không do căn nguyên khác.

Phương pháp chẩn đoán viêm gan C mạn ở bệnh nhân HIV:

- Giai đoạn viêm gan C mạn: Kết quả xét nghiệm anti HCV + trên 6 tháng.

- Giai đoạn viêm gan C mạn tính tiến triển: Kết quả anti HCV +; HCV RNA + và có hoặc không có xơ gan.

3. Bệnh nhân HIV cần phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan virus

Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là những nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh gan mạn tính. Đặc biệt, những người sống chung với HIV có tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ và phụ nữ mại dâm... là những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan virus và HIV cao nhất ở Việt Nam.

Có thể phòng ngừa được qua các phương pháp:

- Đối với nhân viên y tế, truyền thông xã hội… cần tư vấn phòng lây nhiễm, các biến chứng và khả năng tái nhiễm mới, lối sống, phác đồ cho bệnh nhân HIV. Áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HBV, HCV ra cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, đặc biệt tái nhiễm HCV sau khi đã điều trị khỏi.

- Người bệnh không tự ý uống các loại thuốc, kể cả thuốc từ thảo dược. Ngoài ra còn cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, tránh thừa cân, tập thể dục hàng ngày, nghỉ ngơi hợp lý, bỏ hoặc giảm thuốc lá; cần quyết tâm bỏ rượu.

- Tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B.

- Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, C cho tất cả bệnh nhân HIV. Có thể cần xét nghiệm định kỳ 1 năm/lần, nếu xét nghiệm HBsAg, anti HCV âm tính trước đó. Đặc biệt là đối với bệnh nhân HIV có nguy cơ cao nhiễm HBV, HCV.

- Khi điều trị viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân HIV cần được tư vấn, theo dõi chức năng gan thường xuyên để đánh giá biến chứng.

Nguyễn Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-dong-nhiem-viem-gan-b-c-o-benh-nhan-hiv-aids-169230925130811435.htm