Phòng ngừa rủi ro tỷ giá như thế nào?

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 5% so với đầu năm và là mức tăng nhanh nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tỷ giá tăng tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó buộc họ phải tính toán tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá cao đã làm tăng nhu cầu đầu cơ đô la Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá. Ảnh: T.L

Chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá cao đã làm tăng nhu cầu đầu cơ đô la Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá. Ảnh: T.L

Rủi ro tỷ giá trở thành mối quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp trong ba năm gần đây

Từ khi đại dịch Covid-19 xảy vào tháng 3-2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên mong manh hơn, các nước đã phải tung ra các gói nới lỏng tiền tệ siêu lớn, đưa tiền vào hỗ trợ nền kinh tế. Không chỉ vậy, qua năm 2022, khi đại dịch vừa ổn định hơn thì xung đột Nga – Ukraine xảy ra, càng làm trầm trọng hơn sự bất ổn tăng trưởng toàn cầu, đẩy lạm phát lên cao. Lạm phát lên cao và dai dẳng khiến các nước phải nhanh chóng thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng qua thu hẹp, đẩy lãi suất lên cao.

Như vậy, dòng vốn đầu tư toàn cầu đã trải qua hai giai đoạn tái cấu trúc, từ việc chuyển dịch tiền trở lại các nước phát triển an toàn hơn sau khi đại dịch xảy ra, cho tới việc cấu trúc lại dòng tiền theo các yếu tố địa chính trị thay đổi sau xung đột Nga – Ukraine. Chỉ riêng yếu tố cấu trúc dòng vốn đầu tư toàn cầu thôi đã gây nên nhiều ảnh hưởng tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Khi tăng trưởng trở nên bấp bênh hơn, một số nước đã phải chấp nhận chuyển trạng thái từ thu hẹp qua nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Chính sách tiền tệ ngược chu kỳ với các nước phát triển khiến cho áp lực tỷ giá ngày càng gia tăng và trở nên mạnh hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục công bố kéo dài thời gian giữ nguyên lãi suất trong các kỳ họp gần đây.

Về hoạt động thương mại, Việt Nam được xem là nước có độ mở rất cao, khi mà thương mại đạt hơn 200% GDP, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia sâu vào hệ thống thương mại toàn cầu và biến động tỷ giá đã trở thành mối quan tâm không nhỏ. Do đó, bên cạnh hoạt động ổn định tỷ giá của cơ quan nhà nước thì bản thân nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu những tác động của tỷ giá lên hoạt động kinh doanh của mình.

Tác động của tỷ giá tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Tính tới cuối tháng 5-2024, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng khoảng 5% so với đầu năm, và là mức tăng nhanh nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tỷ giá biến động bất lợi sẽ khiến cho hoạt động thương mại chung của toàn nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp khó đoán định được dòng tiền, có thể gây ra những khoản lỗ không cần thiết.

Ở góc độ rộng, tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và tác động tới dòng vốn đầu tư vào trong nước. Với xuất khẩu, nếu không duy trì chính sách tỷ giá hợp lý sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh với các mặt hàng tương tự. Với nhập khẩu, tỷ giá biến động bất lợi sẽ khiến cho doanh nghiệp gia tăng chi phí đầu vào, kinh doanh kém hiệu quả, và có thể gây nên thua lỗ. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư lại chậm vào Việt Nam, và tệ hơn là rút khỏi để giảm thiểu những tác động bất lợi của tỷ giá.

Có nhiều phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá mà doanh nghiệp có thể lựa chọn, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải nhận thức được các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải theo đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp.

Ở góc độ hẹp hơn, tỷ giá biến động tác động tới rủi ro thanh toán hay giao dịch, khả năng vay nợ nước ngoài và rủi ro chuyển đổi tài sản. Với rủi ro thanh toán và giao dịch thì việc tỷ giá biến động quá nhanh có thể gây cho doanh nghiệp những khoản lỗ không cần thiết trong khoảng thời gian từ lúc ký hợp đồng cho tới lúc thanh toán.

Tương tự, hoạt động vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước sẽ trở nên rủi ro hơn nếu tỷ giá biến động quá lớn, khi đó chi phí vay nợ bị đội lên cao khiến cho nhiều doanh nghiệp mất/giảm khả năng trả nợ. Còn đối với rủi ro chuyển đổi tài sản thì sẽ làm khó giảm giá trị tài sản đầu tư nước ngoài khi hợp nhất báo cáo, gây nên các khoản lỗ không cần thiết.

Doanh nghiệp trong nước chịu rủi ro tỷ giá như thế nào thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại thị trường Việt Nam cũng có thể chịu những rủi ro tương tự. Do đó, nếu tỷ giá biến động thì họ sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp mới mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, hoặc xấu hơn là có thể giảm quy mô sản xuất hiện tại.

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá như thế nào?

Theo số liệu năm 2023, chỉ riêng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM đã phải mất đi khoảng hơn 6.200 tỉ đồng từ rủi ro tỷ giá (bao gồm cả số đã thực hiện và chưa thực hiện tại thời điểm cuối năm tài chính). Ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận từ tỷ giá, đạt khoảng gần 1.800 tỉ đồng.

Do đặc thù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nên việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá có thể là bắt buộc hay không. Phần lớn các khoản lỗ tỷ giá đến từ việc nhập khẩu hoặc vay nợ nước ngoài, một phần còn lại là do cân đối ngoại tệ thanh toán và giao dịch. Một số doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động tỷ giá tiêu biểu trong năm 2023 như Vietjet (VJC), Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Thép Nam Kim (NKG), May mặc Sông Hồng (MSH)… Ngược lại, các doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn từ tỷ giá có thể kể đến là Vingroup (VIC), Vietnam Airlines (HVN), Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), Novaland (NVL), Bamboo Capital (BCG)…

Để giảm thiểu rủi ro tỷ giá trong tương lai, các doanh nghiệp có thể áp dụng một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá bài bản, giả định nhiều kịch bản để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp, nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong thanh toán hay giao dịch, doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp phòng ngừa bằng các hợp đồng kỳ hạn, từ đó giới hạn rủi ro tỷ giá bằng một khoản chi phí nhất định.

Thứ ba, với hoạt động vay nợ ngoại tệ thì doanh nghiệp có thể lựa chọn giảm dư nợ tới mức thấp nhất trong bối cảnh biến động tỷ giá tăng, đồng thời ký các hợp đồng phòng ngừa như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi… để ngăn ngừa các biến động trong quá trình vay nợ.

Còn nhiều phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá mà doanh nghiệp có thể lựa chọn, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải nhận thức được các rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải theo đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp.

Trịnh Duy Viết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phong-ngua-rui-ro-ty-gia-nhu-the-nao/