Phòng ngừa tăng huyết áp trong mùa đông

Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp, vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tai biến mạch máu não, đột quỵ... Vậy người bệnh tăng huyết áp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông?

Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định

Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn quá mặn, ăn nhiều chất béo gây tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch là những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Càng ăn mặn thì khối lượng máu càng tăng, áp lực lên thành mạch máu cũng tăng. Nếu mạch máu bị xơ cứng (xơ vữa), nhất là mạch máu ở não thì có thể bị vỡ, gây tai biến mạch máu não.

Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol như các loại nội tạng, tim, gan, óc, thận sẽ làm tăng nguy cơ bệnh cho người tăng huyết áp. Nên ăn nhiều rau quả (cam, quýt, bưởi dưa hấu) và chất xơ. Cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp. Cải cúc chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng giảm huyết áp... Ngoài ra, người bệnh nên ăn cà chua, cà tím, cà rốt, hành tây, nấm hương, chuối tiêu, dưa hấu, dưa chuột… Không uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá bởi đây là những thức uống gây ra nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch, ung thư…

Giữ ấm cơ thể

Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh. Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ và luyện tập đúng cách để nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp.

Bệnh nhân tăng huyết áp cần luôn chú ý bất cứ khi nào thấy các biểu hiện như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... đều phải kiểm tra ngay huyết áp xem có gì bất thường không, thông báo ngay cho bác sĩ, đồng thời đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Người bệnh không nên thức dậy quá sớm bởi sau một đêm, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm.

Tập luyện đều đặn

Tập luyện đều đặn và phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với người bị tăng huyết áp, giúp nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp. Người bệnh nên chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh... Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp. Khởi động kỹ trước khi tập luyện. Khi thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục trong nhà.

Giữ tâm lý thoải mái

Bệnh nhân tăng huyết áp cần chú ý đến các trạng thái tình cảm hàng ngày như lo lắng, căng thẳng, tức giận... dễ không kiểm soát được huyết áp. Do vậy cần giữ cân bằng tâm lý bằng cách sống thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng lo âu.

Tuân thủ đúng chỉ định điều trị

Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, tự ý uống tăng liều thuốc hoặc uống các loại thuốc khác theo mách bảo. Nhiều người bệnh thường tự ý dừng uống thuốc khi đo huyết áp thấy ở mức bình thường, khi nào thấy huyết áp tăng cao thì lại uống. Điều này nguy hiểm vì huyết áp đã về bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu dừng, nồng độ thuốc không còn nên huyết áp lại tăng cao. Hơn nữa, khi huyết áp tăng cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng như xuất huyết não, thường để lại di chứng nặng nề.

Trúc Linh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phong-ngua-tang-huyet-ap-trong-mua-dong/841503.antd