Phòng ngừa tham nhũng - tiêu cực từ xa

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả khá toàn diện.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả khá toàn diện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy giám sát việc triển khai dự án vốn ngoài ngân sách tại huyện Phú Lương. Ảnh T.L

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy giám sát việc triển khai dự án vốn ngoài ngân sách tại huyện Phú Lương. Ảnh T.L

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được cơ quan chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực; các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Qua đó góp phần tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2021-2025” (Đề án số 01).

Trong đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực để tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo; đôn đốc, theo dõi các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, thành ủy, huyện ủy thực hiện nhiệm vụ này.

Sau 2 năm thực hiện, Đề án 01 đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kịp thời các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

100% cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm.

14.963 cán bộ có chức vụ phải kê khai tài sản theo quy định đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân 27 cuộc/27 vụ việc/43 công dân, tổ chức 01 cuộc tiếp xúc, đối thoại với hơn 100 người tham gia; bí thư cấp ủy cấp huyện tiếp 78 cuộc; bí thư cấp ủy cấp xã tiếp 3.265 cuộc; các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp 18.700 cuộc; các cơ quan tư pháp tiếp 847 cuộc.

Từ đó, các thông tin liên quan đến vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được nắm bắt, xác minh, xử lý sớm. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tự kiểm tra nhằm phát hiện sớm vụ việc tham nhũng và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện qua rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, giải quyết tố cáo được chuyển cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật và 100% vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh được giải quyết theo đúng quy định của pháp.

Mặc dù công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, nhưng mỗi vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực để lại nhiều hệ quả.

Do vậy, Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để đấu tranh, phòng ngừa từ xa vấn nạn này.

Trong đó, Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy và đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chú trọng xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; công tác chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả cao hơn giai đoạn trước.

Đồng thời, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền tố cáo về tham nhũng, tiêu cực để gây rối an ninh, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Việc kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp có thẩm quyền của tỉnh thực hiện liên tục để kiên quyết xử lý, thay thế, điều chuyển ngay những trường hợp cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, không dám làm.

Để phòng ngừa từ xa, hạn chế hậu quả, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tự kiểm tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của tỉnh trong 2 năm thực hiện Đề án số 01 đạt trên 95% (239 vụ việc/263 vụ việc); thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt 100%.

Công an tỉnh, công an cấp huyện đã tiếp nhận, giải quyết 40 tin tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng và đã xác minh giải quyết đạt 100%, trong đó khởi tố 33 vụ việc.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng và thu hồi trên 4,5 tỷ đồng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202308/phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-tu-xa-f3f312d/