Phòng ngừa tội phạm cướp giật ngân hàng
Tình hình tội phạm cướp giật tài sản ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có tội phạm cướp giật ngân hàng buộc chúng ta phải nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Lực lượng công an hướng dẫn nhân viên ngân hàng ứng phó với tội phạm cướp giật
Tội phạm trẻ hóa, tinh vi
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong quý I năm 2025, Hải Dương ghi nhận 9 vụ án liên quan đến hành vi cướp, cướp giật tài sản. Đáng chú ý có tới 33% số vụ xảy ra tại các điểm giao dịch ngân hàng, cửa hàng vàng bạc và 33% xảy ra trên các tuyến giao thông, chủ yếu thuộc địa bàn trung tâm xã, phường, thị trấn. Phần lớn là người phạm tội lần đầu (chiếm 84,21%), trong đó có đến 63,15% là thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
Vụ cướp tại cửa hàng kinh doanh vàng bạc Đ.P của gia đình chị V.T.H. ở huyện Bình Giang cuối năm 2024 là một ví dụ. Đối tượng Trần Văn Cường (sinh năm 1991 quê ở xã Việt Yên, Yên Mỹ, Hưng Yên) từng có 1 tiền án về tội “cướp tài sản” vào cửa hàng hỏi mua 1 chiếc vòng vàng 9999, tương đương 3 chỉ vàng, trị giá 24,6 triệu đồng. Sau khi được chủ cửa hàng đưa chiếc vòng vàng cho xem, lợi dụng sơ hở, Cường cầm chiếc vòng vàng rồi tẩu thoát.
Nguyên nhân phạm tội chủ yếu do các đối tượng nợ nần hoặc lười lao động nhưng lại muốn có nhiều tiền để mua sắm, tiêu xài cá nhân. Đối tượng phạm tội thường hoạt động độc lập hoặc theo nhóm đi vào ban đêm, đột nhập vào các cửa hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý tại các tuyến giao thông, khu dân cư vắng vẻ, nơi mà công tác bảo vệ, trông coi còn sơ hở. Chúng sử dụng vũ khí nóng như súng, gậy điện … để khống chế lực lượng bảo vệ và nhân viên ngân hàng, sau đó cướp tài sản rồi tẩu thoát…
Chủ quan

Lực lượng công an tỉnh làm việc với đại diện các ngân hàng để phối hợp thực hiện các phương án phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngoài những nguyên nhân khách quan, không thể bỏ qua các lỗ hổng từ phía nội bộ của các đơn vị. Một số ngân hàng và cơ sở kinh doanh còn nhiều bất cập trong quy trình bảo vệ, giám sát. Nhân viên chủ quan, thiếu kỹ năng xử lý tình huống.
Sự thiếu phối hợp giữa các bộ phận, đặc biệt là giữa nhân viên với lực lượng bảo vệ, dẫn đến phản ứng chậm chạp hoặc không hiệu quả khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền những thủ đoạn mới của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... để cán bộ, nhân viên chủ động nhận diện, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả.
Các cơ sở nên bổ sung các quy định kiểm soát khách hàng tại khu vực giao dịch như: yêu cầu tháo bỏ mũ bảo hiểm, khẩu trang; phân định rõ khu vực giao dịch và khu vực chờ để tránh tiếp xúc không kiểm soát; lắp đầy đủ camera giám sát chất lượng cao, lưu trữ tối thiểu 30 ngày.
Tại tất cả các điểm giao dịch, cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo động và cập nhật đầu mối liên lạc trực tiếp với công an địa phương để kịp thời phản ứng khi có tình huống khẩn cấp.
Trong bối cảnh tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, manh động và tinh vi hơn, các đơn vị ngân hàng, kinh doanh vàng bạc không thể lơ là, chủ quan. Việc nâng cao cảnh giác, hoàn thiện hệ thống bảo vệ nội bộ và tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng là yếu tố then chốt giúp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phong-ngua-toi-pham-cuop-giat-ngan-hang-410392.html