Phòng ngừa tội phạm lừa đảo cho người cao tuổi

Nhiều người lớn tuổi nhưng ít tiếp cận, cập nhật thông tin, mất cảnh giác nên dễ là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Để ngăn ngừa cần trang bị kiến thức, giúp người cao tuổi nắm được thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.

Muôn kiểu giăng bẫy

Bà L.T.T (67 tuổi) ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) kể: “Vài ngày trước, tôi đang ở nhà chuẩn bị nấu cơm trưa thì nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Người đàn ông đó đọc rõ tên tuổi con trai tôi và báo cháu bị tai nạn giao thông, đang nằm ở một bệnh viện ngoài Hà Nội. Họ yêu cầu tôi chuyển khoản ngay 30 triệu đồng để cấp cứu, nếu chậm chưa nộp viện phí, con tôi sẽ bị ảnh hưởng đến tính mạng. Tôi sợ quá, không còn nghĩ được gì, định đi rút tiền tiết kiệm để chuyển. Lúc này con gái tôi đi làm về, thấy tôi như vậy nên hỏi chuyện. Nghe tôi thuật lại, con gái nhận ra thủ đoạn lừa đảo nên giải thích, lúc ấy tôi mới nhận ra bản thân quá tin người, mất cảnh giác, chút nữa thì mất số tiền lớn”.

 Công an thị trấn Kép và nhân viên Phòng giao dịch Kép, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang tư vấn, ngăn ông T chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Công an thị trấn Kép và nhân viên Phòng giao dịch Kép, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang tư vấn, ngăn ông T chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Trường hợp của một người đàn ông 71 tuổi ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) cũng vậy. Qua mạng xã hội, người bạn của ông từ mấy chục năm trước hiện ở nước ngoài đột nhiên liên lạc trở lại. Sau một hồi trò chuyện, nhắc lại những kỷ niệm ngày trước nhưng chỉ nhắn tin chứ không nói chuyện trực tiếp, người bạn ngỏ ý muốn nhờ ông chuyển cho đứa cháu ở huyện Tân Yên hơn 200 triệu đồng.

Đối tượng tinh vi làm giả tin nhắn của ngân hàng gửi đến điện thoại của ông nội dung tài khoản của quý khách đã được chuyển khoản 216 triệu đồng, còn nhắn ông cứ chuyển tiền mặt cho người cháu đó, sau đó có nhân viên ngân hàng đến tận nhà hoàn trả ông số tiền đã ứng trước. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, ông phát hiện không có tiền chuyển đến, toàn bộ tin nhắn là giả mạo nên không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.

Để đưa những nạn nhân lớn tuổi “vào tròng”, các đối tượng lừa đảo không từ thủ đoạn nào, chúng nghĩ ra vô vàn kịch bản với mục đích cuối cùng là moi được tiền. Ngày 9/4 vừa qua, Công an thị trấn Kép (Lạng Giang) nhận tin báo của nhân viên Phòng giao dịch Kép, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang về việc: Khoảng 16 giờ cùng ngày, ông M.V.T (SN 1963), trú tại thôn Kép 11, xã Hương Sơn có đến thực hiện giao dịch 100 triệu đồng.

Nhận thấy ông T có biểu hiện lúng túng và lo lắng, nhân viên ngân hàng dò hỏi và được ông cho biết, khoảng 9 giờ sáng hôm đó, có số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là cán bộ công an thông báo ông phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu chuyển 100 triệu đồng để “chạy tội”. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, nhận định đây là hành vi giả danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an thị trấn Kép đã đến phối hợp với nhân viên ngân hàng ngăn chặn kịp thời ông T chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Đồng thời tuyên truyền cho ông nhận biết các hành vi, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này.

Không chỉ lừa đảo trên không gian mạng, nhiều người cao tuổi còn bị lừa bằng các hình thức trực tiếp như mời dự hội thảo, du lịch, trải nghiệm dịch vụ, hàng hóa, tặng quà miễn phí… Bà D.T.D ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) là một ví dụ. Một lần bà được người hàng xóm rủ đi dự hội thảo. Ban đầu, các đối tượng tặng mỗi người đến dự chai dầu ăn, túi mì chính, bột canh, ngày nào đến dự cũng có quà. Sau đó, họ mời nhiều “chuyên gia nước ngoài” đến giới thiệu về sâm nhung bồi bổ sức khỏe, chữa trị bệnh tật.

Sản phẩm chẳng biết công dụng ra sao vì toàn thấy chữ nước khác nhưng bán vài triệu đồng một lọ nhỏ xíu. Bà D nghe mà như bị bỏ bùa, liên tiếp nhiều ngày bỏ ra hàng chục triệu đồng mua các loại sản phẩm đó mang về chất đầy tủ. Chỉ đến khi con cháu nghi ngờ, mở ra kiểm tra, nghe bà D kể thì lập tức mang toàn bộ số sản phẩm đó đến nơi tổ chức hội thảo, buộc các đối tượng hoàn trả tiền nhưng chỉ nhận được một phần nhỏ so với số tiền bỏ ra với lý do các lọ thuốc, thực phẩm chức năng đã bị bóc tem, mác.

Luôn luôn cảnh giác

Theo lực lượng công an, qua nắm bắt các vụ việc, hiện có 15 hình thức lừa đảo nhắm đến nhóm đối tượng người cao tuổi như: “Combo du lịch giá rẻ”; gọi video Deepfake; “khóa SIM” điện thoại vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp; giả biên lai chuyển tiền, chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; cho số đánh đề…

Các đối tượng lừa đảo nhắm đến người cao tuổi vì nắm bắt được tâm lý người già có tiền nhàn rỗi, hay lo nghĩ, hoảng sợ. Do vậy chúng liên tục "tra tấn", dọa dẫm.

Các đối tượng nhắm đến người cao tuổi vì nắm bắt được người già thường có tiền nhàn rỗi, hay lo nghĩ, hoảng sợ nên chúng liên tục "tra tấn", thao túng tâm lý. Luật sư Lê Văn Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Tín (TP Bắc Giang) cho rằng, nhiều người lớn tuổi có tích cóp tài sản, tiền, vàng nhưng thiếu thông tin về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Họ không tiếp cận những nội dung tuyên truyền của báo chí, lực lượng chức năng, chính quyền, các đoàn thể. Về phía nạn nhân thường không hỏi ý kiến của bạn bè, người thân trong gia đình, sợ liên lụy đến những vấn đề pháp luật nên răm rắp nghe theo sự hướng dẫn của chúng để rồi mất số tiền, tài sản lớn.

Trung tá Vương Toàn Thắng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo: Mọi người dân, trong đó có người cao tuổi không thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như mua bán ma túy, mua bán người, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm pháp luật...

Khi gặp sự việc tương tự, người dân cần thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp. Dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, không gửi các thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho các đối tượng này và thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để xác minh, xử lý.

Gia đình, người thân, hội người cao tuổi các cấp cần thường xuyên nhắc nhở người lớn tuổi tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến.

Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phong-ngua-toi-pham-lua-dao-cho-nguoi-cao-tuoi-075535.bbg