Phòng ngừa tội phạm xảy ra tại ngân hàng, tổ chức tín dụng: Tích cực phối hợp, trao đổi thông tin
Từ sau vụ cướp một ngân hàng tại huyện Bàu Bàng, công an (CA) các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp trao đổi thông tin với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phòng ngừa vụ việc tương tự.
Lực lượng công an phong tỏa hiện trường, điều tra vụ cướp ngân hàng tại huyện Bàu Bàng. Ảnh: NGỌC HÀ
Chủ động phòng ngừa
Những ngày cuối năm 2021, dư luận dồn sự quan tâm đến vụ cướp tiền xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Mặc dù, lực lượng CA đã nhanh chóng bắt giữ thủ phạm gây án nhưng công tác bảo đảm an toàn, phòng, chống tội phạm tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần được quan tâm hơn.
Nhằm chủ động phòng ngừa các vụ việc tương tự, CA tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý một số loại tội phạm xảy ra tại ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đại diện 70 ngân hàng, tổ chức tín dụng được nghe báo cáo viên phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” có sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, hội nghị nêu ra các phương án xử lý tình huống khi có tội phạm cướp tài sản xảy ra tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; bảo vệ tài sản trong quá trình vận chuyển trên đường, các trụ ATM…
Tương tự, CA các địa phương cũng đang tăng cường tuyên truyền, vận động các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời thông tin vụ việc cho lực lượng chức năng. Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng CA TX.Bến Cát, cho biết: “Thời gian qua, CA thị xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cảnh giác với các loại tội phạm, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng khi có vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng CA thị xã cũng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các khu vực có nhiều phòng giao dịch của ngân hàng để phòng ngừa tội phạm”.
Theo Thượng tá Thành, trước đây một số ngân hàng trên địa bàn đã kết nối hệ thống báo động nguy hiểm với trực ban của CA địa phương để thông báo các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Sắp tới, CA thị xã sẽ làm việc với các ngân hàng để nhân rộng việc lắp đặt thiết bị cảnh báo đến tất cả các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nhằm kịp thời huy động lực lượng xử lý tình huống phức tạp.
Trong khi đó Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng CA TX.Tân Uyên, cho biết: “Trên địa bàn hiện có 24 ngân hàng, 1 quỹ tín dụng, chủ yếu tập trung ở phường Tân Phước Khánh và phường Uyên Hưng. Thời gian qua, CA thị xã thường xuyên vận động đại diện các tổ chức này nêu cao trách nhiệm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản; đặc biệt là trang bị hệ thống báo động phòng, chống tội phạm được kết nối từ điểm giao dịch với trụ sở CA xã, phường hoặc trực ban CA thị xã. Hệ thống báo động này được phòng nghiệp vụ CA tỉnh kiểm tra, hướng dẫn vận hành, qua đó giúp cán bộ nhân viên của ngân hàng an tâm hơn trong quá trình giao dịch”.
Mặc khác, CA TX.Tân Uyên còn chỉ đạo các đội nghiệp vụ, CA các xã, phường thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, nắm tình hình ANTT xung quanh khu vực các ngân hàng, quỹ tín dụng nhằm phát hiện các đối tượng có biểu hiện “lạ” để kịp thời có biện pháp đấu tranh, xử lý ngay từ đầu. CA thị xã cũng phối hợp với đại diện ngân hàng, quỹ tín dụng tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra an toàn về ANTT để phòng ngừa các tình huống bất ngờ xảy ra, bảo đảm tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân.
Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin
Thời gian qua, công tác phối hợp, trao đổi thông tin với ngân hàng, tổ chức tín dụng được CA các địa phương quan tâm nhưng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Đặng Đình Hà, Phó trưởng CA TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Trong thực tế, công tác phối hợp trao đổi thông tin phòng, chống tội phạm liên quan đến ngân hàng trên địa bàn thành phố chưa cao. Nguyên nhân là do ngân hàng tập trung vào kinh doanh, giao dịch; còn công tác bảo đảm ANTT thì do công ty bảo vệ chuyên nghiệp đảm trách. Từ đó dẫn đến công tác phối hợp giữa ngân hàng và CA địa phương chưa khắn khít, khiến việc phòng ngừa, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT tại đây còn gặp một số khó khăn”.
Theo Thượng tá Hà, lực lượng CA thường gặp khó khăn khi yêu cầu ngân hàng phối hợp trích xuất dữ liệu camera, các thông tin liên quan để phục vụ công tác điều tra. Nguyên nhân là do thủ tục khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ việc. Do đó, CA TP.Thủ Dầu Một đề xuất lãnh đạo CA tỉnh cần có một quy chế phối hợp giữa CA với các ngân hàng trên toàn tỉnh trong việc trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ. “Hiện một số ngân hàng phối hợp rất tốt trong việc trao đổi thông tin với CA địa phương. Thiết nghĩ, sự kết nối sớm giữa các đơn vị là cấp thiết, bảo đảm an toàn, thông suốt hoạt động tài chính tiền tệ”, Thượng tá Hà chia sẻ thêm.
Tại TP.Dĩ An, CA địa phương và các ngân hàng đang làm khá tốt công tác phối hợp trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT. Thượng tá Đàm Bảo Quân, Phó trưởng CA TP.Dĩ An, cho biết: “Thời gian qua, CA thành phố và các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng đã xây dựng quy chế phối hợp, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT. Nhờ đó giúp CA thành phố thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận, thu thập các thông tin liên quan đến ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, phá án”.
CA phường Dĩ An, TP.Dĩ An là một trong những đơn vị chủ động trong việc xây dựng mô hình phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trong công tác phòng, chống tội phạm. Từ năm 2018, CA phường Dĩ An đã vận động 24 ngân hàng trên địa bàn tham gia vào mô hình “CA phường liên kết với ngân hàng phòng, chống tội phạm”. Sau một thời gian hoạt động, mô hình trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa CA phường với ngân hàng trong công tác bảo đảm ANTT. Đồng thời, thông qua việc gắn bảng “Chú ý” tại các trụ sở ngân hàng và trụ ATM đã giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, phòng ngừa tội phạm trộm, cướp tài sản khi giao dịch tại ngân hàng.