Phòng ngừa trong cộng đồng không mới, nhưng phải quyết liệt hơn
Việt Nam hiện đã xuất hiện đủ sắc thái của 1 bệnh lý về đường hô hấp mới, nhưng có một điều lạ. Đầu tiên, nhóm nhiễm COVID - 19 ở Vũ Hán về, hầu hết các ca mắc bệnh rất nhẹ. Đợt hai từ châu Âu về là chính, một vài nơi là Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng các ca nặng đa số là có liên quan đến châu Âu. Sắc thái thứ ba, những ca lây nội tại lại khá nhẹ. Vì vậy, chúng ta hy vọng virus SARS - CoV - 2 khi tấn công vào cơ thể chúng ta sẽ 'thuần' với mình hơn.
Sắc thái bệnh nhân đa dạng
Bệnh nhân được điều trị tại Việt Nam có thể phải thở máy, lọc máy, sử dụng tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể ECMO, rồi phải nghĩ đến phương án ghép phổi mới cứu sống được bệnh nhân.
Hoặc bệnh nhân phát bệnh có triệu chứng một cách bất ngờ. Như một em điều dưỡng mô tả, tự nhiên thấy sốt, người nhức mỏi, đau rát họng quá nhiều. Kết quả cho dương tính với COVID - 19, nhưng tình trạng bệnh COVID - 19 nhẹ, không cần can thiệp nhiều.
Nhóm thứ ba là đau nhức mình mẩy chút chút, đau họng thoáng qua, tự đi uống thuốc và hết bệnh. Hoặc cũng có người bị sốt ho, rồi tự nhiên qua luôn… Hoặc hết bệnh rồi trở thành người lành mang trùng…
Chúng ta điểm lại những ca lây nhiễm trong cộng đồng như một ca ở công ty sản xuất điện tử, một ca buôn bán ở chợ rồi đi chỗ này chỗ kia… Chúng ta cần hình dung là virus đã tấn công vào công sở, công ty và chợ búa… chứ không phải chỉ là người đi từ nước ngoài về hay tụ tập ăn uống. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đang gặp nguy cơ các ca COVID - 19 ở những “điểm rò rỉ” như biên giới đường bộ.
Phòng ngừa không thay đổi, nhưng thái độ phải tích cực
Virus SARS - CoV - 2 có vẻ cũng dần thuần với cơ thể người. Vậy chúng ta phải làm gì?
ĐỪNG COI THƯỜNG UỐNG NƯỚC!
Điều tối kỵ khi trong việc tăng cường miễn dịch là không cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
- Mải làm, quên uống nước.
- Con nít ham chơi, không uống nước.
- Thậm chí, người già quên cảm giác khát.
Lượng nước cho người lớn trưởng thành là khoảng từ 2,5l - 3 hoặc 4l nước mỗi ngày, còn ở trẻ nhỏ là khoảng 1l - 1,5l nước/ngày.
Đặc biệt đối với đối tượng nguy cơ, thái độ càng phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ đối tượng nguy cơ và làm chậm lại dịch bệnh lây lan, để từ từ khiến virus thuần với người Việt hoặc chờ đến có vắc xin.
Nếu chúng ta nhìn thấy tình hình có vẻ êm dịu, lại lơ là, mọi thứ lại càng bung hết lên, nhiều người trở thành người lành mang mầm bệnh đi khắp và gây lây lan bệnh nhiều trong cộng đồng, ngành y tế có thể không chịu nổi.
Virus mặc dù dần trở thành virus gây bệnh thông thường, nên chúng ta cần quay lại bảo vệ các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền…
Chúng ta phải chú ý đến sức khỏe của chính mình. Bất cứ có những dấu hiệu bất thường, chúng ta phải mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là người lớn tuổi, và báo cáo với cơ quan, công ty để không đi làm hay có những biện pháp phòng ngừa khác. Chúng ta phải luôn cảnh giác bằng cách giao tiếp phải biết người biết ta. Và phải nhớ câu thần chú: “Rửa tay, mang khẩu trang! Rửa tay, mang khẩu trang!”, và không đưa tay lên vùng mũi miệng
Chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác ở mọi nơi, mọi lúc, ở các khu vực công cộng, trong trường học, trong bệnh viện, tại phòng khám, công sở hay tiệm thuốc tây. Ví dụ nội dung một bảng cảnh báo có thể là: “Nếu bạn nóng, ho, sổ mũi, vui lòng, ngoài việc uống thuốc, sẽ phải ngồi tự khai báo y tế cho bản thân:
- Có đi đâu hay không?
- Có làm cơ quan đông người hay không?
- Có từng đi đến chợ này, chợ kia không?
- Không mang khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc nhiều người…?”.
Người đến mua thuốc trị “nóng, ho, sổ mũi” vô cùng phổ biến vì thói quen người Việt ít đến bệnh viện hay thậm chí phòng khám của trạm y tế xã. Vì vậy, mỗi người dân phải tự phòng ngừa cho bản thân và người trong gia đình, nhất là trẻ em và người cao tuổi.
Chúng ta phải luôn cảnh giác bằng cách giao tiếp phải biết người biết ta. Và phải nhớ câu thần chú: “Rửa tay, mang khẩu trang! Rửa tay, mang khẩu trang!”, và không đưa tay lên vùng mũi miệng
Hãy bắt đầu ngay từ ở nhà!
Dù thời tiết thuận lợi với Việt Nam, nhưng nếu chúng ta không cùng làm, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính…
- Phòng ở cần thoáng gió và có ánh nắng, đảm bảo những luồng thông gió có đường vào đường ra; chỉ cần 1 tiếng đồng hồ, nồng độ virus sẽ giảm xuống rõ ràng.
- Người có bệnh nền phải mang khẩu trang khi bước ra đường, đến những chốn đông người.
- Vẫn hạn chế khách đến chơi nhà hoặc tới thăm nhau.
- Đảm bảo dinh dưỡng đủ, đa dạng các thực phẩm nhiều màu sắc, đặc biệt là đảm bảo đủ nước, tốt nhất là nước ấm, tập thói quen nuốt nước bọt; vận động, giữ vệ sinh cá nhân.
- Ngủ đủ giấc.
- Đảm bảo môi trường sinh hoạt trong lành, không khói thuốc lá.
- Đặc biệt là cho trẻ đi tiêm ngừa, để xây dựng một hệ miễn dịch chủ động, và có thể tăng cường khả năng bảo vệ chéo. Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trên nhóm người mắc COVID - 19 tiến triển nặng không có tiêm ngừa lao sẽ gấp 6 lần nhóm người mắc COVID - 19 có tiêm ngừa lao. Tuy nhiên, để chứng minh điều đó chính xác và đúng, các nghiên cứu khoa học cần có thêm thời gian.
- Hiện nay, là thời gian trẻ đi học trở lại và đang vào mùa sốt xuất huyết, nên nếu không có những phòng ngừa tích cực, chúng ta có thể có những hệ lụy.
Ngoài ra, sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài nên rất quan trọng đối với chúng ta, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chích ngừa đủ chưa, từng gặp virus đó chưa, sử dụng thuốc gây suy giảm hoặc kiềm chế khả năng của sức đề kháng… Nước và giấc ngủ rất quan trọng trong tăng cường sức đề kháng vì tế bào bạch cầu, tế bào chủ yếu có vai trò sản sinh các chất đề kháng, miễn dịch, rất cần thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9g30 tối đến 2g30 - 3g sáng. Bên cạnh đó, đề kháng phụ thuộc vào dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu, nhất là chú trọng rau xanh và trái cây tươi trong chế độ ăn hàng ngày. Luyện tập thể thao được các chuyên gia và nghiên cứu khoa học khẳng định giúp tăng cường, cải thiện sức đề kháng, thậm chí giảm nguy cơ mắc ung thư.
Sức đề kháng cũng có lúc cao, lúc thấp, nên chúng ta đừng phí sức, hãy biết bảo vệ cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch: che chắn khi ra nắng, giữ ấm khi trời trở lạnh…