Phòng ngừa, xử lý 'tín dụng đen'

Theo đánh giá của ngành công an, 'tín dụng đen' là hiện tượng xã hội nguy hiểm. Lợi dụng nhu cầu cần vốn của người dân, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò để tiếp cận và 'hỗ trợ'. Sau khi đã 'vào tròng', người vay sẽ bị các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức quấy rối để thu hồi nợ và lãi. Hoạt động này không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Theo Công an tỉnh, hoạt động “tín dụng đen” hiện nay được nhận diện theo 3 phương thức hoạt động chính. Trong đó, theo phương thức truyền thống thì người dân thường cho nhau vay với lãi suất tự thỏa thuận, trả góp định kỳ theo ngày, tuần, tháng... Phương thức hoạt động này tuy lãi suất cao hơn của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng, nhưng chưa vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngoài ra, các đối tượng phát, dán, rải tờ rơi trên các tuyến đường; hoạt động cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản chỉ cần căn cước, thẻ BHYT, giấy phép lái xe...

Về hoạt động, “tín dụng đen” kết hợp cách truyền thống với sử dụng công nghệ, mạng xã hội (MXH), đây là phương thức hoạt động có diễn biến phức tạp. Thông thường các đối tượng hoạt động núp bóng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cầm đồ, vừa sử dụng công nghệ, MXH đăng tin, quảng cáo để cho vay thông qua ứng dụng quản lý cửa hàng cầm đồ.

Về thủ đoạn, sử dụng công nghệ hoàn toàn, các đối tượng sẽ sử dụng cách cài đặt các ứng dụng (app), website vay trực tuyến. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vào điện thoại thông minh thì ứng dụng sẽ truy cập vào danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản MXH, kho ảnh... của khách hàng. Từ đó, các đối tượng sử dụng dữ liệu này để nhắc nợ, đòi nợ và có thể sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.

Ðại tá Phạm Minh Lũy, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: "Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, chủ yếu hoạt động với phương thức truyền thống, thông qua hình thức dán, phát, rải tờ rơi, quảng cáo cho vay hoặc thông qua mối quan hệ quen biết".

Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết về hoạt động cho vay Online, một số người dân đã tìm đến các ứng dụng cho vay qua app, thủ tục đơn giản, chỉ cần thao tác đăng ký trên điện thoại và nhận tiền ngay qua tài khoản nên đã đăng ký vay. Thậm chí có người còn vay của rất nhiều app, trong khi người dùng không biết các ứng dụng cho vay có tính năng thu thập dữ liệu thông tin, chuyển toàn bộ danh bạ người vay về máy chủ.

Ðại tá Phạm Minh Lũy cho biết thêm: "Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động này thời gian qua, với vai trò chủ công, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, cũng như quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên như Kế hoạch số 240 ngày 27/6/2019 của Bộ Công an và Kế hoạch số 81 ngày 28/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến “tín dụng đen”; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, an toàn thông tin. Công an tỉnh đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Thực tế trong những năm gần đây, có nhiều trường hợp liên quan đến “tín dụng đen” đã được phát hiện và xử lý theo quy định”.

Ðơn cử như vào ngày 8/5/2023, Công an tỉnh bắt quả tang 2 nhóm/4 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các đối tượng đến địa bàn tỉnh Cà Mau hoạt động cho vay từ tháng 2/2023 đến ngày 8/5/2023. Nhóm đối tượng quản lý vay qua phần mềm 2cash.info, đã thu lợi bất chính 170 triệu đồng; hiện vụ việc đang được Công an TP Cà Mau thụ lý, điều tra mở rộng. Sau đó không lâu, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Cái Nước sau khi thu thập các chứng cứ cần thiết đã khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra trên địa bàn, hiện vụ việc cũng đã được điều tra, xử lý.

Trước thực trạng tội phạm “tín dụng đen” hoạt động ngày càng tinh vi, gây mất an ninh trật tự xã hội, Ðại tá Phạm Minh Lũy cho rằng rất cần sự chung tay của các cơ quan hữu quan trong thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, nhận diện thủ đoạn hoạt động, để bảo vệ bản thân khi bị các đối tượng tiếp cận, lợi dụng.

Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch, tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

“Ðơn vị sẽ phối hợp các sở, ban, ngành và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ, nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thường xuyên triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn”, Ðại tá Phạm Minh Lũy khẳng định./.

Nghi Ðình

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phong-ngua-xu-ly-tin-dung-den--a34809.html