Phong Phú chuẩn bị cung cấp vải denim cho Zara, H&M, Levis...
Sau khi thành lập công ty trên cơ sở liên doanh với đối tác nước ngoài, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đang xúc tiến các bước cần thiết để cung cấp vải denim cho các thương hiệu thế giới như Zara, H&M ngay tại Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú tại buổi gặp gỡ báo chí ngày hôm nay, 9-7 cho biết, các công ty như Zara, H&M hay Levis hiện đang sản xuất rất nhiều hàng ở Việt Nam và bán trên toàn cầu. Lâu nay, nguồn vải denim phục vụ sản xuất phải đưa từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… về. Tuy nhiên, sắp tới, vải sẽ do công ty ở Việt Nam, vừa thành lập tháng 6-2019, cung cấp.
“Tháng 9 tới đây, các nhà mua hàng sẽ đến nhà máy làm việc. Chúng tôi đang hoàn thiện mẫu để chuẩn bị giới thiệu với họ. Hy vọng sẽ sớm bắt đầu bán hàng cho họ”, ông Trình cho biết.
Theo ông Trình, liên doanh với một đối tác có truyền thống về dệt may là một bước đi cụ thể hóa chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở tận dụng những lợi thế sẵn có của các bên, bên cạnh việc gia tăng thị phần trên thị trường nội địa.
Mục tiêu của Phong Phú là trở thành nhà cung cấp vải denim số 1 của Việt Nam cho cả thị trường nội địa và châu Âu, Mỹ. Ở giai đoạn 1 của nhà máy liên doanh, năng lực sản xuất sẽ đạt khoảng 12 triệu mét vải/năm.
Về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Trình cho biết, mọi dự báo ở ngành dệt may, từ sợi đến dệt, may đều "sai" so với thực tế. Giá bông, sợi đều lùng bùng, tăng giảm theo từng dòng thông báo về việc đánh thuế tiếp hay đạt thỏa thuận giữa hai nước Mỹ - Trung.
Tình hình khiến nhiều doanh nghiệp không biết đâu mà lần vì vừa dự báo giá nguyên liệu bông, sợi lên thì nó xuống và ngược lại. Đến nay thì không còn dám dự báo. Tất nhiên, cũng không dám mua dự trữ vì quá rủi ro. “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ quyết định đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Trình nhận định.
Bên cạnh đó, kế hoạch năm 2019 của nhiều doanh nghiệp cũng được xây dựng dựa trên kỳ vọng về việc các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay mới đây là EVFTA mang đến sự tăng trưởng cho Việt Nam. Tuy nhiên, qua 6 tháng, không mấy doanh nghiệp được hưởng lợi từ các hiệp định này.
Bản thân Phong Phú đã gặp khó trong việc xuất khẩu sợi cotton vì Trung Quốc hiện đang mua dưới giá thành, nên phải dừng xuất khẩu, chuyển sang cung ứng trong nội bộ để sử dụng sản xuất khăn. Đó là lý do doanh thu 6 tháng đầu năm giảm nhưng may mắn là lợi nhuận không mất đi.
Sản phẩm khăn bông của Phong Phú giữ được vị thế ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng ở thị trường nội địa, sức mua chung đang giảm nên doanh số không tăng.
Minh Tâm