Phóng sự đường rừng: Đi tìm rừng thiêng - Kỳ cuối: Giải mã 'linh mộc'

Quần thể bách xanh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được tình cờ phát hiện năm 2004 làm chấn động giới thực vật học thế giới. Khi chúng tôi băng rừng đi tìm 'linh mộc' này, nhiều bí ẩn vẫn đang được giải mã.

Cây bách xanh cổ thụ to mấy vòng tay người ôm

Cây bách xanh cổ thụ to mấy vòng tay người ôm

Phát hiện chấn động trên đỉnh đá vôi

Buổi tối bên bếp lửa bập bùng giữa rừng hoang lạnh, ông Nguyễn Quang Vĩnh, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, kể năm 2001 các chuyên gia Việt Nam đã thu được mẫu bách xanh tại một đỉnh đá vôi cạnh km44 đường tỉnh 562, nhưng "cứ nghĩ là mẫu bách xanh núi đất thông thường, nên không chú ý". Đến cuối năm 2004, đoàn chuyên gia người Nga và Việt vào rừng nghiên cứu các loài phong lan, đã tình cờ bắt gặp và vô cùng ngạc nhiên, mừng rỡ.

“Tiếp cận quần thể bách xanh, giáo sư L. V. Averyanov đến từ Viện thực vật Komarov (Nga) như vỡ òa, thảng thốt nhận xét quần thể bách xanh ở đây là cổ sơ độc nhất vô nhị có tầm quan trọng toàn cầu.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh

Sự vui mừng của GS Averyanov lúc ấy cũng dễ hiểu, bởi loài cây đặc hữu của Việt Nam được IUCN - Sách đỏ thế giới xếp mức độ đe dọa nguy cấp trước đó chỉ tìm thấy ở một số vùng núi cao khí hậu á nhiệt đới như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình. Điểm cực nam của bách xanh đá trước đó phát hiện tại huyện Con Cuông (Nghệ An). Nhưng tất cả đều nằm trên các đỉnh núi cao từ 900m trở lên, đường kính thân cây tối đa khoảng 40cm, lại phân bố rải rác trong tình trạng bị khai thác, thậm chí tàn phá.

Trong khi đó, tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, bách xanh đá lại tập trung theo từng quần thể còn nguyên sinh, phân bố trong khu vực rộng hàng ngàn hecta ở độ cao chỉ khoảng 600m trở lên. Nhiều cổ thụ đường kính đến gần 2m và đặc biệt là không dưới 500 tuổi...

"Những công bố sau chuyến khảo sát về quần thể bách xanh trên núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng đã làm chấn động giới thực vật học thế giới. Bởi thời điểm đó, họ chỉ biết đến bách xanh núi đất hoặc một vài cá thể bách xanh núi đá, chứ chưa hề ghi nhận cả một quần thể bách xanh núi đá lên đến hàng nghìn hecta như ở Phong Nha - Kẻ Bàng" - ông Trương Thanh Khai, phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết. Kết quả nghiên cứu mới đây ở Phong Nha - Kẻ Bàng xác định diện tích phân bố bách xanh là 1.600ha với mật độ khoảng 285 cây/ha.

Người Arem cho rằng đây là loài sâm quý sống trên cây bách xanh

Người Arem cho rằng đây là loài sâm quý sống trên cây bách xanh

Những bí ẩn chưa được giải mật

Dẫn đường cho chúng tôi băng rừng lạnh, người trai tộc Arem kể giới chơi gỗ quý quan niệm bách xanh đứng hàng đầu "linh mộc" do hấp thu linh khí trời đất trên những đỉnh núi đá cao nên họ tìm cách sở hữu.

Và tộc người đại ngàn có không ít chuyện kể về sự linh thiêng của loài cây này. Thanh, một thợ rừng ở Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), kể mình từng "chứng thực" mà vẫn còn cảm giác rờn rợn. Hơn 10 năm trước, khi nghe phát hiện bách xanh, một dân chơi khác tỉnh đã đặt thợ rừng tìm lũa bách (phần lõi quý nhất ở gốc cây) với giá rất cao. Thanh và hai người cùng xã băng rừng leo đỉnh đá vôi ở Tân Trạch. Họ chọn cây bách xanh đại thụ có bộ rễ xuyên các kẽ đá tuyệt đẹp rồi bàn cách cưa thân và phá đá.

"Vừa đặt cưa vào gốc, thằng Bòn trong nhóm bị sẩy chân rớt xuống hốc đá, máu me đầy mình, may mà chưa chết. Đến lượt tui cũng vừa đặt cưa vào gốc thì một tia chớp xẹt ngang, sấm nổi đùng đùng. Tụi tui ba đứa mặt tái mét, nghĩ ngay đến những điều linh thiêng mà tổ tiên tộc người Arem truyền kể, đành xuống núi như bỏ chạy..." - Thanh trầm giọng kể.

Về mặt khoa học, ông Khai cũng cho rằng bách xanh là loài kỳ lạ có nhiều điều chưa thể lý giải được của Phong Nha - Kẻ Bàng, dù hiện có đến 2.951 loài thực vật ghi nhận được. Ông Khai đồng hành với giới nghiên cứu bách vào năm 2008 khi làm luận văn thạc sĩ. Gần đây, ông chủ trì đề tài khoa học nghiên cứu sinh thái và phân bố quần thể bách xanh thực hiện từ tháng 11-2018. Tuy nhiên, ông thừa nhận sự hiểu biết của mình "chưa là gì" trước quá nhiều điều kỳ lạ.

Năm 2008, khi đang thực địa nghiên cứu, ông vô cùng may mắn chứng kiến trọn một mùa bách xanh ra hoa cho đến hạt chín. Năm sau, ông hăm hở được tiếp tục chứng kiến, nhưng lại nhận ngay thất vọng bởi chu kỳ ra hoa ấy tuyệt nhiên không lặp lại, một số năm tiếp theo cũng bặt vô âm tín. Mãi đến gần đây mới tìm thấy vài cây nón đực và một cây có nón cái. Quy luật ra hoa gần như vẫn mờ mịt.

Nhóm nghiên cứu lập các bản đồ về độ cao, độ dốc của núi đá, điều kiện thổ nhưỡng, thảm thực vật, độ phơi ánh sáng... Điều lạ lùng là những đỉnh núi có điều kiện tương đồng nằm khá gần nhau, trong khi đỉnh này mọc thành quần thể bách xanh thì đỉnh kia lại chẳng thấy cây nào. Việc tìm thấy cây con vô cùng hiếm, nhiều đỉnh quần thể lớn nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy cây con...

Chính vì vậy, bách xanh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được bảo vệ nghiêm ngặt trong tình trạng còn nguyên sơ, ít bị tác động. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn lẫn quản lý vẫn không khỏi lo lắng trước nhiều nguy cơ tuyệt chủng.

Len bèo, loài lan sống trên thân bách xanh cổ thụ - Ảnh: T.LỘC

Kỹ sư lâm nghiệp Lê Thuận Kiên, người tham gia đề tài nghiên cứu, gần đây đã ái ngại hầu hết bách xanh to lớn đều già cỗi, rỗng ruột, nguy cơ lụi tàn rất cao, mà thực tế nhiều cây đã và đang chết đứng. Một số cây con vô cùng hiếm hoi tìm thấy lại phát triển quá chậm, có cây 12 năm mọc chưa đến gang tay.

Ngoài ra, có rất nhiều nguy cơ như gió bão gây gãy đổ hoặc làm rụng hạt non, rồi cháy rừng do con người, sấm sét. Đặc biệt, hương gỗ thơm, thớ vân tuyệt đẹp của bách xanh dẫn đến nguy cơ bị khai thác trộm.

Chia sẻ với chúng tôi giữa rừng xanh, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết đã được Bộ Khoa học và công nghệ chấp thuận đề tài nghiên cứu bảo tồn bách xanh, dự kiến thực hiện từ năm 2021. Mục tiêu làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học về loài cây quý như tính chất gỗ, tinh dầu, giá trị dược liệu, nhất là quy luật tái sinh và điều kiện sinh trưởng.

Đặc biệt, các phương pháp nhân giống (giâm hom, nuôi cấy mô hay gieo hạt) được đặt lên hàng đầu để bảo tồn loài cây quý, tránh tuyệt chủng cho đời sau.

Chiều muộn dưới tán bách xanh đại ngàn, chúng tôi không muốn rời bước. Nhân sinh nói một đời người một rừng cây, nhưng rừng "linh mộc" ở đây đã trải biết bao đời người với những bí ẩn cuốn hút đến lạ kỳ...

Tiền đề công nhận di sản thiên nhiên thế giới

Việc phát hiện quần thể bách xanh đá cho thấy Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm đa dạng đặc hữu, đặc biệt có ý nghĩa toàn cầu. Đây là tiền đề quan trọng để năm 2015 vườn quốc gia được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí "Phong Nha - Kẻ Bàng là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn và sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học" - theo Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thái Lộc-Nguyễn Trọng (TTO)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201912/phong-su-duong-rung-di-tim-rung-thieng-ky-cuoi-giai-ma-linh-moc-5659976/