Phóng sự: Nước 'treo cao'
Bây giờ, Nhà máy nước (NMN) Tân Nghĩa không thể san sẻ nước cho NMN Tân Minh, trong khi đó NMN Tân Minh chỉ còn trông mong vào lượng nước hồ Suối Hoay mà hồ này hiện chỉ còn hơn 10.000 m3.
Phóng sự
Vùng giáp ranh khô
4 giờ chiều một ngày cuối tháng 3, tại vùng giáp ranh giữa xã Tân Đức (Hàm Tân – Bình Thuận) và xã Xuân Hòa (Xuân Lộc – Đồng Nai) vẫn còn nắng hanh hao nhưng một số người dân đã ngồi chờ xe chở nước từ Đồng Nai qua. Nhìn nét mặt ai cũng thấy như có gì sốt ruột, chứ không chỉ đơn giản là mua nước về sinh hoạt. Đúng như tôi cảm nhận, họ đang lo không có nước để mua. Anh Lê Công Trứ, nhà ở thôn 1, đang có 2 con còn bé nên bắt buộc phải mua nước sinh hoạt cho tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn rất nhiều. Một tuần nhà anh sử dụng đến 2 m3 nước nên trước tết đến giờ, ở nhà lúc nào cũng xao xác chuyện làm sao có đủ nước để sử dụng. Vì vậy, khi hỏi về nước sinh hoạt, anh kể vanh vách như chuyện mới xảy ra hôm qua. “Trước tết, nửa tháng, nhiều hộ dân ở đây đã không có nước sinh hoạt vì nước máy không có. Sau tết đến giờ, cứ hai, ba ngày, nước máy mới có 1 lần về khuya và đều chảy ri rỉ. Có dạo nửa tháng trời còn không có giọt nước nào. Nhà ai ở đây cũng có đồ trữ nước nhưng cao lắm cũng chỉ chứa được 1-2 m3. Và những lúc đứt nước máy như vậy, hy vọng cuối là mua nước sinh hoạt bên Đồng Nai qua”.
Nghe anh nói, tôi hiểu hơn sự lo lắng của họ nhưng chợt thắc mắc vì sao nhiều người có móng tay, móng chân đóng phèn cứ như giẫm đạp dưới ruộng sâu từ năm này, tháng nọ, trong khi ở đây là vùng khô hạn có tiếng. Anh Trứ xòe bàn tay mình ra, ít nhiều phát hiện thủ phạm. “À, là do nước phèn. Ở vùng đất thôn 1 này rất khắc nghiệt, 2 bên quốc lộ 1A đây thì 1 bên trải toàn đá bàn, không chỉ dưới đất mà còn lởm chởm bên trên, 1 bên khoan được giếng thì nước bị nhiễm phèn. Những ngày không có nước sinh hoạt ấy, nhiều nhà có giếng tắm giặt đại, nhà không có giếng thì đi tắm giặt nhờ. Như tôi chẳng hạn phải chạy về nhà cha mẹ tắm giặt mỗi ngày. Và chỉ vài ngày sau đã thấy da có màu lạ, quần áo nhất là màu trắng đều ngả màu nhưng biết làm sao”.
“Vậy những ngày qua, các em học sinh không đi học vì dịch Covid – 19 nên áo trắng xếp tủ, không phải ố màu” – tôi chợt nghĩ. Nhưng liền đó, 1 người nói rằng, việc sử dụng nước sinh hoạt trong mỗi nhà trong thời điểm này được tính toán như dùng tiền mặt, vì 1m3 nước bên Đồng Nai chở qua bán đến 100.000 đồng. Do đó, nước sạch chỉ dành cho những đối tượng ưu tiên nhất, đó là trẻ em và người già. Còn lại, thanh thiếu niên, trung niên đều sử dụng nước giếng nhiễm phèn hết.
Tôi chợt nhớ, cách đây vài ngày, UBND xã Tân Đức tổ chức đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Giữa bộn bề công việc phải lo toan lúc ấy, xã này còn phải lo chuyện nước cho tưới cây, cho sinh hoạt… cho khu vực đại hội bằng cách bơm nước từ 1 hồ nước gần đó rồi lắng lọc lại dùng đỡ. Nơi trung tâm của xã còn rơi vào tình cảnh trên nên càng hiểu hơn, sự khát nước của từng hộ dân ở thôn giáp ranh này.
Cô lập
Ghé vào nhà nào ở hai bên đường thôn 1, Tân Đức, tôi cũng nhận ra tại bồn chứa nước của họ đều có gắn chiếc phao tự động. Dụng cụ này có giá bán khoảng 70.000 – 80.000 đồng/cái, chỉ cần gắn vào vòi nước thì khi nước đầy sẽ giúp ngắt nước. Một hình thức tự động hóa để không phải thức đêm chờ nước. Từ tết đến giờ, vùng này đều có nước lúc giữa đêm, có rất bất ngờ nên người dân chọn giải pháp ấy như một cách giảm sự nhọc nhằn vì nước. Bởi thực ra, nước từ NMN Tân Nghĩa về đến điểm cuối này phải được bơm 3 cấp, phải trải qua 3 chặng đường với chiều dài khoảng 25 km nên vốn dĩ đã sẵn nhọc nhằn. Với hành trình nước đi như thế, phải ghi nhận đây là kết quả tốt đẹp của sự nỗ lực chung, để giải cứu tình hình khát nước tại 3 xã Tân Minh, Tân Phúc, Tân Đức vào mùa khô năm 2015.
Năm ấy, cũng thời điểm tháng 2, 3 này, chính quyền huyện Hàm Tân nhóm họp. Tôi cảm nhận sự sốt ruột của những người trong cuộc họp ấy qua cách tính toán. Và cuối cùng, phương án được chọn là đầu tư nhanh tuyến ống dài 5 km, lấy nước từ hồ Sông Dinh 3 về NMN Tân Nghĩa. Tại đây, tiếp tục đặt cụm xử lý nước có công suất 1.000 m3/ngày đêm rồi xây trạm bơm tăng áp cách đó 5 km để chuyển nước về NMN Tân Minh, sau đó, NMN này sẽ cung cấp cho vùng Tân Đức. Khoảng giữa năm 2016, hệ thống nối mạng cấp nước trên hoàn thành, nhiều người dân ở 3 xã này, nhất là ở Tân Đức mừng vui với việc từ nay sẽ được dùng nước máy. Cũng lường trước được cảnh nước phải bơm 3 cấp sẽ xảy ra chuyện nước yếu và hụt nên tỉnh đồng ý cho xây dựng NMN Tân Xuân với công suất 2.500m3/ngày, đặt cạnh hồ Sông Dinh 3. Mục đích để “yểm trợ” nguồn nước cho NMN Tân Nghĩa mạnh lên, để NMN Tân Minh với công suất 700m3/ngày không phải lo thiếu nước vì hồ suối Hoay vốn nhỏ, lúc nước tràn bờ cũng chỉ khoảng 322.000 m3. Thế nhưng, công trình đã khởi công vào cuối năm 2017 và đến giờ vẫn chưa xong, dù đã 2 lần phải gia hạn với lần gia hạn thứ 2 là vào ngày 31/3/2020.
Trong tình cảnh ấy, năm nay mưa ít lại kết thúc sớm nên đã tạo ra tình cảnh cô lập giữa các nhà máy. Trước hết, NMN Tân Nghĩa không thể san sẻ nước cho NMN Tân Minh, trong khi đó NMN Tân Minh chỉ còn trông mong vào lượng nước hồ Suối Hoay nhưng hồ này hiện chỉ còn hơn 10.000 m3. Với lưu lượng nước phải cấp mỗi ngày hiện tại của NMN Tân Minh là 1.400 m3 thì có nghĩa chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là nhà máy này không còn nước để hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa vùng Tân Minh, Tân Phúc, Tân Đức không có nước sinh hoạt. Ngay cả tuyến ống giải cứu nước từ NMN Xuân Lộc (Đồng Nai) hỗ trợ vùng xa của Tân Đức được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận lắp đặt thủy kế tổng tại khu vực trại giam Z30D vào tháng 3/2019 với công suất qua “đàm phán” được 100 m3/ngày thì bây giờ cũng chỉ còn 15 – 20 m3/ngày. Thực tế, vì nguồn nước của NMN Xuân Lộc không còn nhiều và nước về xã Tân Đức cũng là cuối tuyến.
Cứu cánh
Chúng tôi rời NMN Tân Minh để đến NMN Tân Xuân với cảm giác nặng nề, vì bế tắc khi nhìn thấy hõm nước nhỏ nhoi còn lại tại hồ Suối Hoay. Và cảm giác ấy bỗng biến mất khi trước mắt hiện ra hồ Sông Dinh 3 đang mênh mông nước, không gian thoáng mát, dù trời vẫn chang chang nắng. Kề bên là NMN Tân Xuân chưa hoàn thành. Theo giải thích của Ban quản lý dự án lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chủ đầu tư công trình này thì việc chậm trễ hoàn thành nhà máy nước là do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nào là do mất nhiều thời gian để giải thích, vận động người dân địa phương để được chấp thuận, đồng ý cho đào mương lắp đặt ống, một số tuyến ống phải điều chỉnh hướng tuyến. Nào là những trở ngại trong việc giải ngân vốn, nhất là với loại vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Vì vậy, đơn vị xin gia hạn thời gian hoàn thành nhà máy đến 30/4/2020. Vì đến cuối tháng 3/2020 mới có thể giải ngân được vốn, thanh toán khối lượng thực hiện cho nhà thầu. Rồi sau đó, sẽ thi công nhanh hoàn thành công trình trước 20/4/2020.
Có nghĩa còn 1 tháng nữa, mới hy vọng vùng 3 xã trên có nước sinh hoạt dồi dào hơn nhiều năm trước. Hiện hồ Sông Dinh 3 còn 5 triệu m3 nước, bảo đảm cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng Hàm Tân, La Gi, trong đó có tính đến phương án mà NMN Tân Xuân đi vào hoạt động vào cuối quý 1. Nghe tin này, anh Trứ và những người tôi gặp chiều hôm ấy mừng lắm nhưng cũng không hết lo. Người này hỏi: “1 tháng nữa, mua nước sinh hoạt ở đâu đây, khi bên Xuân Lộc cũng đang thiếu nước?”. Người khác lại trả lời: “Lúc ấy khắc có người lấy nước từ hồ Sông Dinh 3 đến đây bán. Đừng lo, có nước là mừng. Nhưng tại nơi khô hạn, có cảnh “treo nước“ vậy cũng may”. Tôi cũng thấy hay hay về sự nhìn nhận ấy, một kiểu suy nghĩ tích cực...
Bích Nghị
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/phong-su-nuoc-treo-cao-126006.html