Phong thần diễn nghĩa: Nhân vật quái dị có khả năng gieo rắc dịch bệnh
Lữ Nhạc là vị thần nổi tiếng xuất hiện trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa. Đây là nhân vật có khả năng gieo rắc dịch bệnh chết người đến nhân gian.
Tiểu thuyết thần thoại Phong thần diễn nghĩa là cuốn tiểu thuyết chương hồi được viết lại dựa trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại đời nhà Nguyên. Phong thần diễn nghĩa là câu chuyện kể về nguồn gốc các vị thần tiên trong Đạo giáo, dựa trên một sự kiện lịch sử đó là việc nhà Chu lật đổ nhà Thương, đan xen vào đó các yếu tố thần thoại, thần tiên, yêu quái… nổi tiếng trong thần thoại Trung Hoa. Một trong số những nhân vật ấn tượng nhất của bộ tiểu thuyết là Ôn thần Lữ Nhạc.
Trong Phong thần diễn nghĩa, Lữ Nhạc vốn xuất thân là đạo sĩ tu luyện ở đảo Cửu Long. Ông có ngoại hình khá quái dị: Mặt màu xanh, ba mắt, thân mặc đại hồng bào. Trong cuộc chiến giữa Trụ Vương và Tây Kỳ, Lữ Nhạc được đích thân được Thân Công Báo mời xuống núi để giúp tướng Trịnh Luân của Trụ Vương đánh Tây Kỳ. Lữ Nhạc tham chiến cùng với bốn đệ tử có pháp lực cao cường của mình là Âu Thiên Lân, Châu Tín, Lý Kỳ, Dương Văn Huy.
Do Lữ Nhạc tu luyện được phép ôn dịch nên ông ta gây ra dịch bệnh hoành hành trong thành Tây Kỳ. Khiến cho vô số dân chúng lâm bệnh, binh sĩ thương vong rất nhiều. Dương Tiễn buộc phải đến Hỏa Vân động, xin thuốc của Tam Thánh (tức Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế) mới hóa giải được dịch bệnh, giải nguy cho Tây Kỳ.
Sau này Lữ Nhạc đại bại, ba trong số bốn đệ tử cũng bỏ mạng. Ông cùng với đệ tử còn lại là Dương Văn Huy chạy thoát được, nhưng trên đường lại gặp Vi Hộ đang đi đầu quân cho Tây Kỳ. Hai bên giao tranh, Dương Văn Huy cũng bại dưới tay Vi Hộ và bị đánh chết, còn Lữ Nhạc một mình thoát thân.
Sau lần đại bại đầu tiên, không những không tự tĩnh tâm suy nghĩ bỏ qua, tu dưỡng tâm tính, ngược lại Lữ Nhạc học thêm một số loại tà thuật, đã quay lại báo thù. Lữ Nhạc còn mời đạo hữu của ông ta là Trần Canh thiết lập ôn dịch ở tại Xuyên Vân quan để giúp quan trấn ải này là Từ Phương, mưu toan hòng phá hỏng con đường Tây Kỳ tiến quân phạt Trụ của Khương Tử Nha. Một người bạn khác của Lữ Nhạc ta là Lý Bình khi biết rõ được thiên ý, đã cố ý tới khuyên Lữ Nhạc đừng làm trái thiên ý, sẽ tự chịu lấy sự diệt vong.
Nhưng Lữ Nhạc không những không nghe, còn tự cảm thấy mình là vị quốc trung thần, dẹp trừ bạo loạn, hợp với ý trời, lòng người. Thậm trí, Lữ Nhạc còn khoe khoang với Lý Bình: “Ngài hãy chờ xem tôi bắt được Khương Thượng, Vũ Vương và làm cho họ không còn mảnh giáp”.
Quả nhiên, khi Lữ Nhạc lập ra trận Ôn Hoàng đã bắt nhốt được Khương Tử Nha trong 100 ngày. Mặc dù Khương Tử Nha bị giam trong trận Ôn Hoàng của Lữ Nhạc, song nhờ có bảo bối hộ thân nên chỉ hôn mê bất tỉnh chứ không chết. Trận Ôn Hoàng bị Dương Nhậm đả phá, Lữ Nhạc cuối cùng bị thiêu chết.
Nhưng do Lữ Nhạc có đạo hạnh nghìn năm nhưng chỉ vì nghe lời khích bác của Thân Công Báo mà xuống núi chống lại Tây Kỳ. Khương Tử Nha phụng mệnh của Nguyên Thủy Thiên Tôn, phong Lữ Nhạc là Ôn thần, nắm quyền cai quản sáu vị chính thần trong Đầu Bộ Ôn thi hành nhiệm vụ khi có mùa dịch, chuyên nhận trách nhiệm diệt từ kẻ gian ác.
Quốc Tiệp (t/h)