Phòng thí nghiệm khắp nơi sáng đèn chạy đua tìm vắc-xin chống dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tăng tốc lây lan trên toàn cầu, các chuyên gia hàng đầu khắp thế giới đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để tìm ra vắc-xin chống lại virus này.

Phát triển vắc-xin hay phương pháp điều trị cho một loại virus mới được phát hiện vốn là công việc tỉ mỉ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Việc tìm ra một hợp chất có khả năng kháng virus, tiến hành thử nghiệm trên động vật, sau đó thử nghiệm lâm sàng ở người có thể mất hàng năm.

Thường thì các chuyên gia hàng đầu về virus học và dịch tễ học "ẩn mình" trong phòng thí nghiệm quanh năm suốt tháng, không mấy khi được chú ý đến.

Thế nhưng virus SARS-CoV-2 đã thay đổi tất cả.

"Tôi đang có hàng triệu thứ phải làm một lúc", Sarah Gilbert, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford đang chế tạo vắc-xin phòng virus corona, cho biết. Nhóm của bà đã phát triển một mẫu vaccine có thể thích nghi nhanh chóng với các mầm bệnh mới.

Cũng như những người khác ở tuyến đầu chống dịch, Gilbert đang làm việc không kể ngày đêm, chạy đua với thời gian kêu gọi tài trợ và các nguồn lực để nhanh chóng đưa vắc-xin vào sản xuất.

Gilbert và các nhà khoa học trên toàn thế giới đang nỗ lực từng giây từng phút để tìm ra cách đối phó với Covid-19. Khắp nơi từ châu Á đến châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang thử nghiệm vắc-xin, phát triển các phương pháp xét nghiệm mới, hay xây dựng các chiến lược y tế công cộng nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Bị kỷ luật vì cảnh báo về virus corona

Câu chuyện bắt đầu từ Trung Quốc. Một nhân vật đáng được nhắc đến là Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ngày 30/12, cô nhận được báo cáo từ phòng thí nghiệm về việc một bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. Ai Fen nói cô toát lạnh khi khoanh tròn bằng mực đỏ dòng chữ "SARS coronavirus”.

 Vũ Hán (Trung Quốc) là nơi đầu tiên trên thế giới ghi nhận ca nhiễm virus corona chủng mới. Ảnh: Getty.

Vũ Hán (Trung Quốc) là nơi đầu tiên trên thế giới ghi nhận ca nhiễm virus corona chủng mới. Ảnh: Getty.

Sau khi thông báo cho các cấp trên và cảnh báo đồng nghiệp nên đề phòng, Ai đã gửi ảnh chụp màn hình tờ báo cáo cho những người bạn học cũ ở trường y.

"Nếu biết là dịch bệnh sẽ bùng phát thì hồi đó tôi đã không sợ bị kỷ luật mà sẽ phát cảnh báo tới tất cả mọi người", cô trả lời phỏng vấn tạp chí People của Trung Quốc.

Thông tin từ Ai nhanh chóng lan truyền tới nhiều bác sĩ trong thành phố, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người từng bị gọi là "kẻ tung tin ở Vũ Hán".

Bác sĩ Lượng bắt đầu phát cảnh báo đến người dân về loại virus nguy hiểm đang lây lan trong thành phố ngay từ khi quan chức địa phương khẳng định virus không lây truyền từ người sang người. Vị bác sĩ 34 tuổi mất hồi tháng 2 vì nhiễm bệnh, gây nên một làn sóng dữ dội trên mạng xã hội chỉ trích cách chính quyền địa phương xử lý dịch bệnh vào thời gian đầu.

Ai nói cô bị một cấp trên ở bệnh viện khiển trách là đã "lan truyền tin đồn" khi chia sẻ bệnh án về nCoV cho các bác sĩ khác. Bài phỏng vấn Ai sau đó bị xóa khỏi tài khoản WeChat của tạp chí People, nhưng người dùng mạng xã hội đã kịp chụp màn hình và đăng lại bài viết trên các nền tảng khác.

Trong một diễn biến khác ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, đứng đầu là Zhang Yongzhen, đã tập trung phân tích mẫu xét nghiệm từ một bệnh nhân Vũ Hán bị sốt không rõ nguyên nhân và kết luận rằng đây là một chủng mới của virus corona tương tự như SARS.

Sau đó họ tiến hành giải mã bộ gene hoàn chỉnh của virus này với kết quả được công bố ngày 11/1 trên trang virological.org bởi Edward Holmes, một nhà virus học tại Đại học Sydney đồng thời nằm trong nhóm nghiên cứu của Zhang, cho biết. Việc công bố dữ liệu giúp các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên thế giới nhanh chóng hiểu được mức độ nguy hại của virus này.

"Tranh thủ từng phút" tìm vắc-xin

Gilbert chịu trách nhiệm điều hành chương trình Mầm bệnh mới tại Viện Jenner (Đại học Oxford) - đặt theo tên vị bác sĩ đã phát minh ra vắc-xin bệnh đậu mùa vào thế kỷ 18.

Khi nghe tin virus corona chủng mới lây lan ở Trung Quốc vào dịp năm mới, Gilbert đã có dự cảm không lành về nguy cơ dịch bệnh. Trước đó, bà từng giám sát việc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin kháng MERS - một loại virus corona khác từng gây nên cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu năm 2014.

MERS khi mới xuất hiện được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm, gây tử vong khoảng 1/3 trong số những người bị nhiễm. MERS đã lan ra 27 quốc gia và làm chết 850 người, nhưng tình hình hiện nay cho thấy Covid-19 còn lây lan nhanh chóng hơn MERS.

 Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở người vắc-xin kháng Covid-19 vào đầu tháng 4. Ảnh: Oxford.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở người vắc-xin kháng Covid-19 vào đầu tháng 4. Ảnh: Oxford.

Cuối năm ngoái, khi virus corona chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc cũng là lúc Gilbert bắt đầu đợt thử nghiệm lâm sàng thứ hai ở người đối với vắc-xin chống MERS, kết quả cho thấy an toàn và có hiệu quả miễn dịch.

"Chúng tôi biết là vắc-xin này có tác dụng trên loài khỉ, nhưng chưa dám chắc nó có hiệu quả với người bởi vì không đủ số lượng ca nhiễm MERS để phân tích", bà nói.

Nhưng đó không còn là vấn đề với dịch Covid-19 hiện nay nữa khi mà có tới hơn nửa triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh. Ngay sau khi nhóm nhà khoa học ở Thượng Hải công bố mã gene virus corona chủng mới, nhóm của Gilbert đã bắt đầu chế tạo vắc-xin kháng virus này để thử nghiệm trên chuột.

Ngoài nhóm của Gilbert, khoảng hơn 30 trung tâm khác trên thế giới cũng đang chạy đua chế tạo vắc-xin kháng Covid-19. Họ có điểm mạnh yếu khác nhau, song các nhà khoa học cho rằng sự cạnh tranh đa dạng giữa nhiều ý tưởng là một điều tốt, bởi vì bất cứ nơi nào cũng có nguy cơ bị đóng cửa ngay lập tức nếu ở đó xuất hiện rủi ro.

Điểm chung của tất cả các nhóm nghiên cứu là luôn thiếu tiền. Vào tháng 2, Liên hiệp Các Sáng kiến phòng ngừa đại dịch ở Oslo đã hỗ trợ tiền để nhóm của Gilbert sản xuất đủ vắc-xin thử nghiệm quy mô nhỏ. Sau đó ngày 24/3, nhóm được chính phủ Anh hỗ trợ 2,7 triệu USD để chi trả cho các thử nghiệm lâm sàng ở người, dự kiến bắt đầu vào tháng 4.

"Chúng tôi đang tranh thủ từng phút một", Gilbert nói. "Có rất nhiều kế hoạch phải thực hiện".

Sự quan trọng của thử nghiệm lâm sàng

Có thể sẽ phải mất một năm hoặc hơn trước khi vắc-xin sẵn sàng để đưa vào sử dụng, nhưng ngày một lớn dần lên hy vọng rằng các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể làm giảm tác động của bệnh. Các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ những thử nghiệm lâm sàng do Andre Kalil, bác sĩ chuyên về viêm phổi tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, chỉ đạo thực hiện.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm sinh ra tại Brazil này đang giám sát các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở Mỹ, để xác định xem loại thuốc thử nghiệm có tên remdesivir có thể giúp bệnh nhân Covid-19 hay không.

Thử nghiệm trên hơn 100 bệnh nhân tại hàng chục bệnh viện, sẽ cho kết quả ban đầu trong một tuần nữa, nhưng ngay cả Kalil hiện cũng không biết bệnh nhân nào đang dùng thuốc hay chỉ được điều trị tiêu chuẩn.

"Tôi hy vọng đây có thể là thứ thuốc làm thay đổi tình hình, nhưng trên cương vị bác sĩ lâm sàng và nhà khoa học, tôi không có cách nào để biết được loại thuốc này có đang mang lại hiệu quả hay không", bác sĩ 54 tuổi nói. "Đó là cách duy nhất để khoa học phát huy mặt tốt của nó".

Ngay khi Kalil đọc các báo cáo về virus corona ở Trung Quốc hồi tháng 1, ông và nhóm cộng sự đã bắt đầu điều tra các liệu pháp tiềm năng: "Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Và họ tìm đến remdesivir, ban đầu do Gilead Science Inc. phát triển để điều trị Ebola. Dẫu remdesivir không thu được hiệu quả khi điều trị Ebola, nhưng nó đã được thử nghiệm trên động vật để chống lại các chủng virus corona khác, như SARS và MERS. "Các dữ liệu rất thuyết phục", Kalil cho biết, "tuy nhiên, mỗi lỗi thử nghiệm đều rất khác nhau".

Hồi tháng hai, Khoa An toàn Sinh học tại Trung tâm Y tế Nebraska đã tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên trở về Mỹ từ tàu du lịch Diamond Princess, đã được cách ly ngoài khơi Yokahama, Nhật Bản, sau khi dịch bệnh bùng phát.

Một bệnh nhân người Mỹ từ con tàu là tình nguyện viên đầu tiên cho thử nghiệm của Kalil và cộng sự, và hiện giờ nhóm nghiên cứu ghi danh bệnh nhân mới mỗi ngày khi virus lây lan trong cộng đồng. Hai tầng của trung tâm là nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Kalil và nhân viên của ông thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của chính mình để đảm bảo họ không bị nhiễm bệnh.

"Dịch bệnh biến chuyển nhanh hơn tôi dự tính", ông nói. "Đó là một cuộc chạy đua với thời gian".

Giống như nhiều chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Kalil đã học được những bài học quan trọng từ vụ bùng phát dịch Ebola vào năm 2014-2016. Dịch bệnh năm đó cướp đi hàng nghìn sinh mạng và kéo dài gần hai năm, nhưng các nhà khoa học không đủ thời gian để hoàn thành những nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên, trong đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều không biết ai đang dùng thuốc thật hay giả dược. Hoặc là họ đã hoàn toàn bỏ qua biện pháp quan trọng đó.

Kalil lo lắng rằng sai lầm tương tự có thể tái diễn trong cuộc chiến chống Covid-19, khi các bác sĩ trên toàn thế giới đưa ra những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng mà không có thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt.

Họ sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine và thuốc chống siêu vi HIV lopinavir và ritonavir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhưng những thuốc này có thể gây độc và chưa được phê chuẩn để sử dụng chống lại chủng mới của virus corona.

"Nếu các loại thuốc này là hữu ích để loại bỏ virus corona thì đó là tin tuyệt vời, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết trừ khi bạn thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát", Kalil nói. "Chúng tôi phải cung cấp cho bệnh nhân sản phẩm khoa học đích thực. Đó là cách duy nhất để giúp họ", ông khẳng định.

Sống chung với dịch

Covid-19 đe dọa mở ra một thảm kịch ở châu Phi, châu lục với hệ thống y tế yếu ớt và dân số đã phải chiến đấu với bệnh sốt rét, HIV và Ebola. Virus xuất hiện muộn tại đây, nhưng lục địa 1,2 tỷ người này hiện có hơn 4.200 ca nhiễm bệnh ở 46 quốc gia và nhiều trường hợp khác có khả năng không được phát hiện.

Tiên phong trong nỗ lực chống Covid-19 của châu Phi là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amadou Alpha Sall. Nhà nghiên cứu về virus học và sức khỏe cộng đồng đã tư vấn cho nhiều chính phủ trên toàn thế giới về các dịch bệnh. Ông đứng đầu Viện nghiên cứu Pasteur tại Senegal. Hồi tháng 1, khi Sall bắt đầu nghe về bệnh viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc, ông đã nghĩ: "Nào, sẵn sàng thôi".

Ngày 27/2, Nigeria xác nhận trường hợp đầu tiên ở khu vực châu Phi cận Sahara. Bốn ngày sau, cũng là ngày Senegal tuyên bố có ca nhiễm đầu tiên, Sall được triệu tập tới một cuộc họp tại dinh tổng thống với các quan chức chính phủ và chuyên gia về dịch bệnh. Cùng thời gian đó, WHO yêu cầu nhóm làm việc của ông điều hành một trong hai phòng thí nghiệm chính, phối hợp các xét nghiệm trên toàn khu vực.

Kể từ đó, Sall làm việc 18 giờ mỗi ngày với các đồng nghiệp từ khắp châu Phi. "Tôi không ngủ nhiều lắm", chuyên gia 50 tuổi chia sẻ.

 Các nhà khoa học tại Dakar, Senegal nghiên cứu loại virus corona chủng mới. Ảnh: AFP.

Các nhà khoa học tại Dakar, Senegal nghiên cứu loại virus corona chủng mới. Ảnh: AFP.

Các cơ quan y tế hy vọng kinh nghiệm chống Ebola của châu Phi sẽ giúp châu lục đương đầu với virus corona. Năm 2014, khi Ebola tấn công nước láng giềng Guinea, nhóm của Sall là một trong những nhóm đầu tiên giám sát thử nghiệm thuốc điều trị, thử nghiệm quyết định để đưa ra biện pháp phản ứng.

Dịch bệnh tràn ngập khu vực, lấy đi mạng sống của hơn 11.000 người và cản trở việc điều trị các bệnh khác. Nhưng Sall khẳng định châu Phi đang mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến lần này.

"Mọi người nhận thức rõ hơn nhiều và họ đang phản ứng nhanh chóng", ông nói. "Điều này không có nghĩa rằng phản ứng là hoàn hảo, nhưng sẽ tốt hơn trước rất nhiều".

Ebola cũng đã khiến châu Phi nhận thức được sự cần thiết của việc xây dựng năng lực nội tại để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Không có vắc-xin Ebola kịp thời cho người dân Tây Phi, nhưng một loại vắc-xin đã được triển khai tại Congo sau một đợt bùng phát mới vào năm 2018.

Cùng với một cộng sự ở Anh, Sall đang phát triển một bộ xét nghiệm Covid-19 có thể mang lại kết quả trong ít nhất là 10 phút, thay vì hàng giờ như hiện tại. Chi phí vẫn là một rào cản, nhưng ông đặt mục tiêu rằng cả những quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất đều có thể mua được bộ xét nghiệm này.

Và công nghệ thử nghiệm của ông cũng sẽ được sử dụng để ứng phó với những dịch bệnh khác chắc chắn xảy ra trong tương lai, do biến đổi khí hậu, dân số ngày càng chuyển động nhiều hơn và tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

"Chúng ta sẽ sống trong thời đại dịch bệnh xảy ra thường xuyên", ông nhận định. "Chúng ta sẽ sống theo cách này".

Mô hình Singapore

Giữa những nỗ lực trên toàn thế giới nhằm đối mặt với Covid-19, thành công của Singapore trong việc ngăn chặn virus lây lan là một hình mẫu đáng học tập. Ca tử vong đầu tiên tại đảo quốc được ghi nhận ngày 21/3, gần hai tháng sau khi virus bắt đầu "cập bến". Các ca nhiễm tăng lên đến 844 vào tuần trước, chủ yếu do khách du lịch hồi hương.

Công cuộc xét nghiệm virus của Singapore thuộc vào diện "dữ dội" nhất thế giới. Tính đến tuần trước, Singapore đã tiến hành hơn 39.000 xét nghiệm, tỷ lệ bình quân đầu người cao hơn Hàn Quốc, quốc gia được xem là thành công trong việc đẩy lùi các trường hợp bằng cách xét nghiệm diện rộng.

Giám đốc điều hành Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, bà Leo Yee Sin đang giúp lèo lái công cuộc chống dịch Covid-19 của Singapore, triển khai các bài học kinh nghiệm khi chiến đấu với SARS năm 2003 và H1N1 hồi năm 2009. Đầu tháng 1, khi các báo cáo về virus bắt đầu xuất hiện từ Vũ Hán, Leo đã ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị.

"SARS đến Singapore mà chúng tôi chẳng nhận ra", Leo nói. "Còn với Covid-19, khác biệt lớn nhất là chúng tôi đã thấy được nó sẽ tới đây".

 Singapore đã cho tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 39.000 người, tỷ lệ cao hơn cả Hàn Quốc tính trên bình quân đầu người. Ảnh: Straits Times.

Singapore đã cho tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 39.000 người, tỷ lệ cao hơn cả Hàn Quốc tính trên bình quân đầu người. Ảnh: Straits Times.

Trước khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Singapore vào ngày 23/1, trung tâm của bà đã phát triển xét nghiệm riêng cho virus corona và bắt đầu tăng cường khả năng đánh giá hàng loạt. Singapore có thể thực hiện hơn 2.000 xét nghiệm mỗi ngày và đang nỗ lực để mở rộng hơn nữa.

Những bệnh nhân dương tính đầu tiên được điều trị tại trung tâm của Leo. Vị giám đốc 60 tuổi đã hy vọng rằng, bệnh nhân Covid-19 sẽ xuất hiện triệu chứng giúp họ dễ dàng phát hiện và cách ly trước khi truyền bệnh, hơn bệnh nhân SARS. Nhưng bà sớm hiểu rằng mình đang phải đối phó với một thứ hoàn toàn khác.

"Bệnh nhân có thể truyền virus từ rất sớm", Leo cho biết. "Virus phát tán nhiều nhất ở giai đoạn đầu của bệnh và giảm dần khi bệnh tiếp diễn".

Bà đã sử dụng nghiên cứu ban đầu đó để tư vấn cho Bộ Y tế Singapore thay đổi chiến lược, khuyến nghị bất cứ y bác sĩ nào có dấu hiệu suy hô hấp nên nghỉ phép năm ngày, để họ có thể ở nhà và không lây bệnh.

Chiến thuật xét nghiệm tích cực kết hợp truy tìm và cách ly các mối liên hệ của người nhiễm bệnh đã chứng minh hiệu quả, một phần bởi trung tâm Leo có một nơi riêng để cách ly bệnh nhân. Hơn một năm trước, nhóm của bà chuyển đến tòa nhà 14 tầng mới với 330 giường dành để điều trị các bệnh truyền nhiễm.

"Chúng tôi rất may mắn vì có một tòa nhà mới đúng lúc cho dịch bệnh này", Leo nói. "Chúng tôi đùa với nhau rằng nó là một tòa nhà đắt đỏ và duy trì nó rất tốn kém, nhưng khoản đầu tư này đã hiệu quả hơn chúng tôi mong đợi".

Với dân số chỉ 5,7 triệu người, mô hình của Singapore có thể không dễ dàng để sao chép đối với các nước đông dân hơn. Cho đến nay, mô hình chống dịch này đã hạn chế sự lây lan của virus mà không cần các biện pháp hà khắc như đóng cửa trường học hoặc trung tâm mua sắm, tuy nhiên quán bar và rạp chiếu phim sẽ phải dừng hoạt động nếu các ca nhiễm tiếp tục tăng.

"Đây chỉ là khởi đầu của dịch bệnh", Leo dự đoán. "Tốt nhất chỉ nên đóng cửa trường học và thực hiện cách ly xã hội khi dịch bệnh sắp lên đến đỉnh điểm. Nhưng không ai biết được chính xác đó là lúc nào", bà nói.

Những người đầu tiên thử nghiệm vaccine ngừa virus corona ở Mỹ Thử nghiệm vaccine ngừa virus corona đầu tiên trên 4 tình nguyện viên vào hôm 16/3. Vaccine mới do Viện Y tế Quốc gia Mỹ và công ty công nghệ sinh học Moderna nghiên cứu điều chế.

An Hạ
Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-thi-nghiem-khap-noi-sang-den-chay-dua-tim-vac-xin-chong-dich-post1067360.html