Phòng thí nghiệm mầm bệnh nguy hiểm có thực sự an toàn?
3/4 quốc gia có phòng thí nghiệm được thiết kế để nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sinh học và an ninh sinh học.
Các giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19, đến từ phòng thí nghiệm đã gia tăng mối quan tâm về an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) của các phòng thí nghiệm.
Viện virus học Vũ Hán, nằm gần chợ hải sản Hoa Nam - nơi bùng phát dịch đầu tiên, là một trong những phòng thí nghiệm như vậy. Khả năng virus có thể thoát ra khỏi phòng thí nghiệm đang được tranh luận sôi nổi, với một số nhà nghiên cứu cho rằng, giả thuyết này nên được điều tra kỹ lưỡng hơn.
Bất kể nguồn gốc thực sự của SARS-CoV-2 là gì, an ninh sinh học là một vấn đề đáng được chú ý hơn, theo bài viết mới trên The Conversation của Filippa Lentzos, một giảng viên cấp cao về khoa học và an ninh quốc tế tại Đại học King ở London, và Gregory Koblentz, giáo sư và là người điều hành các chương trình sau đại học về an ninh sinh học tại Đại học George Mason.
Có tổng cộng 59 phòng thí nghiệm BSL-4 ở 23 quốc gia, theo Lentzos và Koblentz. Nhưng chỉ một phần tư trong số các quốc gia đó đạt điểm cao trong Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GHS).
Chỉ số GHS được thống kê bởi cơ quan Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI) và Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (JHU) và nó đo lường khả năng của một quốc gia trong việc ngăn chặn và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh và các mối đe dọa an toàn sinh học khác.
Lentzos và Koblentz viết: “Điều này cho thấy còn nhiều chỗ hổng cần cải thiện để các quốc gia phát triển các hệ thống quản lý khủng hoảng sinh học toàn diện”.
Châu Âu là nơi có nhiều phòng thí nghiệm BSL-4 nhất trên thế giới, với tổng cộng 25 phòng thí nghiệm. Đứng thứ nhì là Bắc Mỹ với 14 phòng thí nghiệm và châu Á với 13 phòng thí nghiệm.
Australia có 4 phòng thí nghiệm và châu Phi có 3. Chỉ 40% trong số các quốc gia có phòng thí nghiệm BSL-4 là thành viên của nhóm chuyên gia quốc tế về các cơ quan quản lý an toàn sinh học và an ninh sinh học, hoạt động nhằm tăng cường an toàn sinh học quốc tế.
Mặc dù Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế phi chính phủ đã phát triển một tiêu chuẩn để quản lý nguy cơ sinh học, nhưng không có phòng thí nghiệm BSL-4 nào trên toàn thế giới cam kết theo tiêu chuẩn này, Lentzos và Koblentz viết.
Ngoài ra, một số quốc gia sở hữu phòng thí nghiệm BSL-4 quy định nghiên cứu lưỡng dụng, là nghiên cứu có thể gây hại được tiến hành vì những lý do có lợi hoặc nghiên cứu “gain-of-function”, liên quan đến việc sửa đổi vi sinh vật để chúng trở nên dễ lây nhiễm hoặc dễ gây chết người hơn.
“Đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò như một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro do các bệnh truyền nhiễm gây ra và tầm quan trọng của một doanh nghiệp nghiên cứu y sinh mạnh mẽ trong việc cứu sống sinh mạng, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, những nghiên cứu như vậy có thể đồng thời mang theo những rủi ro tiềm tàng”, theo hai tác giả ghi nhận.
Cộng đồng nghiên cứu thế giới hiện nay công nhận 4 cấp độ thực hành an toàn sinh học. An toàn sinh học cấp độ 1 (BSL-1) và cấp độ 2 (BSL-2) được áp dụng cho các không gian phòng thí nghiệm chung, nơi có rủi ro thấp hoặc không có rủi ro.
BSL-3 đề cập đến các phòng thí nghiệm nơi có nguy cơ cá nhân cao nhưng nguy cơ cộng đồng thấp.
Có nghĩa là mầm bệnh được nghiên cứu trong đó có thể gây bệnh nghiêm trọng cho con người, dễ lây qua đường hô hấp nhưng đã có thuốc chữa hoặc các phương pháp điều trị. BSL-4 mới là nơi nghiên cứu tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất cho người, động vật hoặc cả hai mà hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.