Phòng thủ hay tấn công - bài toán khó của Thủ tướng Suga
Chính quyền của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang bắt đầu thảo luận về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Nhật Bản vốn đang gặp trở ngại vì phải cân nhắc quyết định hệ thống này có nên sở hữu năng lực tấn công hay không...
Mặc dù không dễ dàng để đưa ra quyết định đối với một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi như vậy, nhưng nếu thành công, ông Suga có thể ghi dấu ấn đầu tiên với việc thực hiện một kế hoạch phòng thủ tên lửa toàn diện và mạnh mẽ, theo giới chuyên gia đánh giá. Sau khi trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản, một trong những quyết định chính sách cấp bách đầu tiên mà ông phải đưa ra liên quan tới tương lai của kiến trúc phòng thủ tên lửa hành trình và đạn đạo (BMD) của Nhật Bản.
Lựa chọn hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng tấn công căn cứ đối phương sẽ vấp phải rào cản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản vốn cấm Tokyo mua vũ khí tấn công và triển khai sức mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực, theo Báo Nikkei Nhật Bản, nhiệm vụ cấp bách đối với nước này hiện nay là thảo luận một cách thực chất trên cơ sở cân bằng giữa ngân sách và năng lực đối phó với các nguy cơ được cho là từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã trình bày với Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền về các phương án đề xuất để thay thế hệ thống tên lửa đánh chặn mặt đất Aegis Ashore đã bị hủy bỏ. Kết luận cuối cùng đáng trông đợi có thể được đưa ra trong năm nay. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, phương án mà bộ này đang xem xét thảo luận đó là kết hợp hệ thống radar và thiết bị phóng tên lửa ở trên biển. Cụ thể, đó là 3 phương án gồm: Triển khai các tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn, trang bị tàu cỡ lớn giống như tàu chở dầu dân dụng và xây dựng cấu trúc di động trên biển tương tự giàn khoan dầu.
Theo Thủ tướng Suga, nên đề xuất một giải pháp toàn diện bảo đảm cải thiện tính bền bỉ và phân bổ khả năng của BMD để giảm gánh nặng cho các tàu hải quân của Mỹ và Nhật Bản, cũng như các lợi ích liên minh chung khác. Giới chuyên gia đánh giá, nếu Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công căn cứ địch, khả năng ngăn chặn của đồng minh Nhật-Mỹ cũng tăng lên. Trong trường hợp Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công riêng và không phụ thuộc vào khí tài của Mỹ, nước này cần sở hữu vũ khí phá hủy và hệ thống thu thập được thông tin của đối phương. Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này cần một khoản tiền khổng lồ, điều rất khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tàn phá vì đại dịch Covid-19. Còn nếu hợp tác với Mỹ, Nhật Bản sẽ giảm bớt được gánh nặng chi phí khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hiện nay, tại Nhật Bản, bên cạnh những ý kiến phản đối cũng có những ý kiến ủng hộ năng lực tấn công của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nhật Bản sẽ triển khai trong thời gian tới trong bối cảnh thách thức an ninh gia tăng. Ông Bonji Ohara, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc tổ chức Hòa bình Sasakawa cho rằng, Nhật Bản cần xem xét việc tấn công tên lửa và các cơ sở liên quan ngay trước và sau khi tên lửa đối phương phóng đi. Về mặt chi phí, việc Nhật Bản sở hữu tất cả năng lực là không cần thiết và cần thảo luận về vai trò mà Nhật Bản sẽ đảm nhiệm trong quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Còn theo ông Hiroshi Tozaki, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản, từ trước đến nay, Nhật Bản không cần sở hữu khả năng tấn công khi Mỹ đóng vai trò “ngọn giáo”, còn Nhật Bản đóng vai trò “cái khiên”. Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản không thể không sở hữu năng lực đối phó với các mối đe dọa này.
Có thể thấy rằng, đối với Nhật Bản, việc sở hữu năng lực tấn công không đơn giản chỉ là câu trả lời có hay không mà quan trọng hơn là làm thế nào để hạn chế được tối đa thiệt hại có thể có, bao gồm cả thiệt hại từ vũ khí hạt nhân. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định có hay không sở hữu năng lực tấn công, điều Tokyo cần phải cân nhắc nhiều nhất chính là bài toán chi phí và lợi ích.