Phóng to bức tranh cổ 1000 năm tuổi, hậu thế đỏ mặt: Cảnh tượng này hơi xấu hổ rồi đó!

Vị họa sĩ thời Tống có phong cách chân thực và táo bạo tới mức điều gì cũng có thể đưa vào tranh.

"Tuyết tế giang hành đồ" (tạm dịch: đi trên sông vào ngày tuyết rơi) là bức tranh cuộn treo có kích thước dài 74,1 cm, rộng 69,2 cm. Tác phẩm được vẽ bằng mực màu bởi họa sĩ Quách Trung Thứ vào thời Ngũ đại đầu nhà Tống (khoảng năm 976).

Bức tranh này vẽ hai con tàu lớn đang tiến thẳng về phía trước trên dòng sông trong một ngày tuyết rơi và có rất nhiều công nhân đang làm việc trên thuyền.

Họa sĩ đã sử dụng phương pháp vẽ nét để khắc họa từng chi tiết con tàu. Cột buồm thẳng tắp, chắc chắn, dây cột được kéo xuống từ nhiều hướng khác nhau, mảnh và hơi chùng. Khi khắc họa mạn tàu, họa sĩ lại sử dụng nét vẽ lỏng, uyển chuyển, sau đó từng nét được làm nhòe bằng mực nhạt để phản chiếu kết cấu của gỗ.

 Bức tranh "Tuyết tế giang hành đồ" của họa sĩ Quách Trung Thứ. Hình ảnh: Baidubaike

Bức tranh "Tuyết tế giang hành đồ" của họa sĩ Quách Trung Thứ. Hình ảnh: Baidubaike

Những góc tranh khi phóng to lên 10 lần của bức Tuyết tế giang hành đồ để thấy độ tỉ mỉ chi tiết của họa sĩ Quách Trung Thứ khi miêu tả hoạt động của các công nhân trên thuyền vào ngày tuyết rơi. Hình ảnh: Baijiahao

Những góc tranh khi phóng to lên 10 lần của bức Tuyết tế giang hành đồ để thấy độ tỉ mỉ chi tiết của họa sĩ Quách Trung Thứ khi miêu tả hoạt động của các công nhân trên thuyền vào ngày tuyết rơi. Hình ảnh: Baijiahao

Bối cảnh tranh vào mùa đông nên họa sĩ cũng dùng mực nhạt để vẽ bầu trời và mặt nước, thể hiện cái giá lạnh, tiết sương mù.

Bức tranh này ban đầu không được đặt tên, song trên đó có khắc lời đề của Hoàng đế Tống Huy Tông "Tuyết Tế Giang Hành Đồ - Quách Trung Thứ thực tích" và một con dấu "Ngự thư chi bảo".

Tranh được nhiều đời quân chủ Trung Hoa yêu thích đến độ góc tranh đỏ một màu dấu triện, bao gồm con dấu và bài thơ của vua Càn Long, con dấu của vua Gia Khánh. Hiện nay bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Trung Quốc).

Chi tiết "xấu hổ" trong bức tranh cổ

"Tuyết tế giang hành đồ" có kích thước lớn nhưng từng chi tiết đến vô cùng chân thực. Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều lần người ta phải xôn xao về những chi tiết nhỏ được phát hiện trong tranh. Chẳng hạn như ở góc phải bức họa, có một người đàn ông dường như do làm việc quá hăng say mà... quần bị tụt cũng chưa thể kéo lên.

Nhiều người xem phải tủm tỉm cười vì độ chân thật đến hài hước của các chi tiết. Cũng có người cho rằng đó không phải chiếc quần bị tụt mà là một tấm vải vắt ngang dưới chân.

 Chi tiết được cho là người đàn ông làm việc hăng say đến độ quần trễ nải mà chưa thể kịp kéo lên. Hình ảnh: Baijiahao

Chi tiết được cho là người đàn ông làm việc hăng say đến độ quần trễ nải mà chưa thể kịp kéo lên. Hình ảnh: Baijiahao

Điều thú vị là đây không phải trường hợp đầu tiên người ta tìm thấy những chi tiết chân thực đến ngại ngùng khi phóng to những bức tranh cổ.

Chẳng hạn trong bức "Thanh minh thượng hà đồ "dài 5 mét, họa sĩ Trương Trạch Đoan đã vẽ lại sự phóng túng của cậu thanh niên đang nằm ngủ dưới gốc cây trong một góc bức tranh. Nằm ngủ dưới gốc cây thì chẳng có gì lạ, điều đáng chú ý là cậu ta chỉ đắp 1 chiếc áo mỏng và bên dưới mặc vỏn vẹn... một chiếc quần đùi đỏ ngắn tũn.

 Chàng trai mặc quần đùi nằm dưới gốc cây, giữa thanh thiên bạch nhật. Hình ảnh: Baijiahao

Chàng trai mặc quần đùi nằm dưới gốc cây, giữa thanh thiên bạch nhật. Hình ảnh: Baijiahao

Hay như bức tranh "Bách tử đồ" của họa sĩ cung đình Lãnh Mai. Trong hàng trăm đứa trẻ, giữa rất nhiều khung cảnh vui chơi, hậu thế lại soi được một chi tiết khiến không ít người phải che mặt ngượng ngùng. Đó là hình ảnh những cậu bé vô tư hở mông, kéo quần khi chơi đùa cùng bạn.

Dù biết rằng trẻ con vô tư hồn nhiên nhưng họa sĩ quả thật đã quá tỉ mỉ, đến chi tiết "ngượng ngùng" này cũng vẽ vào trong tranh.

Chi tiết tự nhiên đến xấu hổ đỏ mặt của các cậu nhóc trong bức tranh "Bách tử đồ". Hình ảnh: Baijiahao

Chi tiết tự nhiên đến xấu hổ đỏ mặt của các cậu nhóc trong bức tranh "Bách tử đồ". Hình ảnh: Baijiahao

Thế nên mới thấy, các họa sĩ thời xưa có một điểm chung là rất chân thật và tỉ mỉ, họ thậm chí còn táo bạo hơn rất nhiều so với tưởng tượng của hậu thế.

Có lẽ các vị danh họa cũng không thể ngờ rằng thế hệ con cháu lại có thể soi ra được những chi tiết nhỏ như vậy. Song chúng ta đều phải công nhận một điều rằng các họa sĩ thật sự quá xuất sắc khi làm nên những tuyệt tác nghệ thuật để đời này.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phong-to-buc-tranh-co-1000-nam-tuoi-hau-the-do-mat-canh-tuong-nay-hoi-xau-ho-roi-do-17223041309173256.htm