Phong tỏa các thửa đất có dự án 'ma' của Alibaba

Hiện tại, các thửa đất có liên quan đến các dự án 'ma' của Alibaba đã bị các cơ quan chức năng thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc phong tỏa. Trước đó, Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã bị bắt và khởi tố về hành vi 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'rửa tiền'.

Các thửa đất Alibaba làm dự án “ma” đều được huyện Long Thành cắm biển cảnh báo từ hơn 1 năm nay

Các thửa đất Alibaba làm dự án “ma” đều được huyện Long Thành cắm biển cảnh báo từ hơn 1 năm nay

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, 29 dự án “ma” mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) tự vẽ ra để lừa khách hàng, hầu hết là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... do các cá nhân gồm: Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba; Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thái Lực, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali và Trương Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp đứng tên.

* Ngăn chặn mọi giao dịch

Sau khi Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lực bị bắt và bị khởi tố, những thửa đất nông nghiệp do các cá nhân trên đứng tên đã bị huyện Long Thành ngăn chặn mọi giao dịch. Mục đích là để tránh những đối tượng trên sang nhượng và tẩu tán tài sản. Trong 29 dự án “ma” của Alibaba tại Đồng Nai thì huyện Long Thành có đến 27 dự án, nằm ở địa bàn 5 xã Long Phước, Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Địa bàn xã Long Phước là nơi có nhiều dự án “ma” nhất của Alibaba.

Trao đổi với Báo Đồng Nai về việc 8 công ty con của Alibaba có trụ sở tại Đồng Nai có bị rút giấy phép kinh doanh hay không, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, Sở đang cho rà soát và theo dõi kỹ những công ty trên nếu những vi phạm của các công ty trên thuộc diện phải thu hồi giấy phép đầu tư thì Sở sẽ tiến hành thu hồi.

Qua rà soát của UBND huyện Long Thành thì 27 dự án “ma” của Alibaba được xác định thực chất là 14 khu đất do 4 cá nhân Lĩnh, Luyện, Lực và Ngọc đứng tên. Trong đó, Ngọc và Lực mỗi người chỉ đứng tên 1 khu đất, còn lại là Lĩnh và Luyện đứng tên quyền sử dụng đất. Tổng diện đất nông nghiệp do 4 người trên đứng tên là hơn 40 hécta. Thửa đất lớn nhất gần 7 hécta, thửa nhỏ nhất 1,1 hécta.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Ngay khi Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh bắt giữ Lĩnh và Luyện, UBND huyện đã yêu cầu các xã, phòng ban ngăn chặn toàn bộ giao dịch của các thửa đất có liên quan đến dự án”ma” của Alibaba. Đồng thời giữ nguyên hiện trạng đất, đợi cơ quan chức năng xử lý tiếp”.

Tại huyện Xuân Lộc, Alibaba cũng thực hiện 1 dự án khống tại xã Xuân Hưng, song do huyện phát hiện kịp thời ngăn chặn ngay mọi giao dịch liên quan đến thửa đất đó từ trước khi 3 anh em Lĩnh, Luyện, Lực bị bắt hơn 4 tháng. “Thấy Alibaba có dấu hiệu lừa đảo người dân mua đất nền dự án ảo, huyện đã ngăn chặn giao dịch của thửa đất, tiến hành tháo dỡ các công trình trên đất và trả lại nguyên trạng ban đầu là đất nông nghiệp. Đồng thời thông báo rộng rãi cho báo đài, các xã thông tin đến người dân để tránh mua phải dự án ảo” - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên nói.

Tương tự, tại huyện Nhơn Trạch, Alibaba cũng tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền 1 dự án “ma” tại xã Long Thọ. UBND huyện đã cử lực lượng xuống tận nơi tháo dỡ tất cả các biển hiệu quảng cáo, cử lực lượng trực ngày đêm để kịp thời ngăn chặn xây dựng trái phép, khuyến cáo người dân không đến xem và mua đất.

Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ khẳng định: “Phát hiện ra dự án “ma” của Alibaba tại xã Long Thọ, huyện đã tiến hành xử lý để trả đất về nguyên trạng ban đầu. Đồng thời ngăn chặn mọi giao dịch chuyển nhượng có liên quan đến thửa đất trên và cử lực lượng túc trực ngày đêm không để Alibaba tổ chức đưa người dân xuống xem đất”.

* Địa phương khuyến cáo nhiều, người mua vẫn làm lơ

Ngày 4-11-2018, Báo Đồng Nai đã thông tin về tình trạng Công ty cổ phần địa ốc Alibaba rao bán đất nền hàng loạt dự án “ma”. Sau đó, Báo Đồng Nai cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác liên tục phản ánh về việc Alibaba không được cấp phép bất cứ dự án nào tại Đồng Nai nhưng công ty này vẫn ngang nhiên tổ chức các sự kiện rầm rộ trên những khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên và đưa người đến tham quan. Dù chính quyền địa phương đã tiến hành cắm các biển cảnh báo, cấm mọi hình thức phân lô bán nền, xây dựng và rao bán đất trái phép nhưng nhiều khách hàng vẫn bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mua các lô đất ảo.

Ngày 4-11-2018, Báo Đồng Nai đã có thông tin cảnh báo về dự án của Alibaba tại huyện Long Thành

Ngày 4-11-2018, Báo Đồng Nai đã có thông tin cảnh báo về dự án của Alibaba tại huyện Long Thành

Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành chia sẻ: “Từ cuối năm 2018, khi phát hiện Alibaba rao bán đất nền nhiều dự án không có thật trên địa bàn, huyện đã cử lực lượng phối hợp với các xã nơi có dự án “ma” trực suốt cả tuần để kịp thời giải tán, cảnh báo người dân được Alibaba đưa đến xem đất. Nhưng vẫn có nhiều người dân cả tin bỏ tiền mua đất của Alibaba”.

Đầu tháng 3-2019, UBND tỉnh đã họp báo, đề nghị các cơ quan thông tấn thông tin rộng rãi đến người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước biết Đồng Nai chưa cấp phép dự án khu dân cư nào cho Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Những dự án Alibaba rao bán chỉ là dự án “ma” và yêu cầu người dân không nên mua đất từ những dự án không có thật này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh từng nhấn mạnh: “Quy hoạch về đất đai của Đồng Nai được công khai, người dân trước khi mua đất nên đến trực tiếp các xã, huyện để xem quy hoạch, thủ tục pháp lý của thửa đất. Như vậy sẽ không bị lừa mua phải đất của những dự án ảo”.

Alibaba có thể lừa đến hơn 6.700 khách hàng ở nhiều tỉnh, thành (riêng Đồng Nai con số này là hơn 600 khách hàng) với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng, một phần cũng do người mua cả tin và mê lợi nhuận. Hơn 10 ngày qua, sau nhiều lần khuyến khích, nhiều nạn nhân của Alibaba đã đến Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tố cáo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và một số công ty con lừa đảo với số tiền trung bình từ 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/hợp đồng. Trong đó, có những hợp đồng mới ký với Alibaba cách đây 5-6 tháng. Nội dung nhiều hợp đồng hé lộ nguyên nhân khiến hàng trăm người sẵn sàng mua đất nền ảo vì Alibaba đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn (22-30%/năm).

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201910/phong-toa-cac-thua-dat-co-du-an-ma-cua-alibaba-2967121/