Phong tỏa khác Vũ Hán - Covid-19 biến Italy thành 'nhà tù xinh đẹp'

Tại quán café ở Rome, thành phố lâu đời từng kinh qua nhiều đại dịch lẫn ách cai trị tàn bạo, nhân viên pha chế thấy lạ lẫm khi phải dang tay ra xa để đưa cà phê cho khách.

Phong tỏa ở Italy khác gì so với Vũ Hán? Sau lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch Covid-19, quốc gia thu hút du khách bậc nhất châu Âu trở nên hoang vắng hơn bao giờ hết.

Họ phải làm vậy để góp phần ngăn virus corona lây lan tại đất nước 60 triệu dân đang chịu lệnh phong tỏa toàn quốc.

Đây là thời gian kỳ lạ và đầy rẫy nguy cơ tại Italy. Và Luigi, người pha chế ở quán Bar Due Pini, căng thẳng vì virus corona đang làm đảo lộn nhịp sống của người Italy.

“Sáng nay cảnh sát tới và ra lệnh phải vạch ra các ranh giới này”, Luigi nói, cho biết các vạch trên sàn cách nhau khoảng 1 m để chỉ dẫn các khách hàng giữ khoảng cách. “Chúng tôi mới chỉ có vài khách hôm nay, nhưng hai ngày nữa tôi nghĩ họ sẽ quay lại nhiều”.

Nhưng theo Los Angeles Times, điều đó sẽ khó xảy ra. Từ khi có lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 10/3, người Italy đã buộc phải điều chỉnh lại các thói quen, sở thích. Số ca nhiễm virus corona ở nước này đã tăng vọt, lên tới 10.149 vào ngày 10/3 sau khi có thêm 977 ca mới. Đã có hơn 630 ca tử vong.

 Một du khách đeo khẩu trang trước Đài phun nước Trevi ở Rome. Ảnh: AFP.

Một du khách đeo khẩu trang trước Đài phun nước Trevi ở Rome. Ảnh: AFP.

“Nhà tù tuyệt đẹp”

Tác động của lệnh phong tỏa có thể thấy ở mọi nơi. Sự sầm uất thường ngày đã biến mất. Quảng trường St. Peter và Đài phun nước Trevi biểu tượng đã đóng cửa. Các chốt chặn đã được dựng lên. Các ngõ nhỏ không còn tiếng xe máy hay tiếng hướng dẫn viên. Không còn cảnh kẹt xe.

Một người dùng Facebook đã miêu tả Rome là “một nhà tù tuyệt đẹp”.

Milan, một đầu tàu kinh tế phía bắc và là một tâm dịch tại Italy, cũng rơi vào cảnh tương tự. Vùng Lombardy phía bắc có hơn một nửa trong số 10.000 ca nhiễm tại Italy, và chiếm đa số trong tổng cộng 877 ca nhiễm nặng.

Milan là nơi đầu tiên đóng cửa trường học, phòng tập, nhà thờ và sân vận động. Người dân chỉ được rời nhà để đi làm hoặc vì lý do sức khỏe, hay các nhu cầu thiết yếu khác như mua đồ ăn.

Attilio Fontana, lãnh đạo vùng Lombardy, trong một buổi họp báo được phát trên truyền hình, đã kêu gọi người Italy dừng đến các quán café. “Đó không thể coi là giới hạn quyền tự do của chúng ta, mà là một điều cần thiết vì sức khỏe cộng đồng”.

 Một lính Italy ở trạm kiểm soát phía đông nam thành phố Milan, trong bức ảnh chụp tháng 2/2020. Ảnh: AFP.

Một lính Italy ở trạm kiểm soát phía đông nam thành phố Milan, trong bức ảnh chụp tháng 2/2020. Ảnh: AFP.

Nhiều người Italy đang tuân theo các yêu cầu trên, hiểu được dịch bệnh lần này có khả năng lây rất nhanh. Nhưng có những người đang bàn cách lẩn trốn, đi đường vòng qua các chốt chặn. Người Italy luôn tìm ra lỗ hổng để lách các quy định, như một bản năng, Los Angeles Times bình luận.

“Người Italy không thích theo quy tắc”, Anna Kraczyna, 52 tuổi, một giáo sư người Italy chuyên về ngôn ngữ và văn hóa ở Florence cho biết. “Như thể nó đi vào trong ADN của chúng tôi, vì chúng tôi chịu ách thống trị trong quá nhiều thế kỷ”.

Khía cạnh đó trong văn hóa Italy có hẳn tên furbizia, một kiểu xoay xở để phá vỡ các quy tắc - và cả sự thích thú đi kèm với nó - có nguồn gốc từ việc phải chống lại vô số những kẻ thống trị.

Chính phủ phải cố thuyết phục thanh niên ở nhà

Simona Romanò, chủ quán café 28 tuổi, nhận thấy một số cửa tiệm vẫn mở và một số người vẫn ra ngoài. Có những video được đăng lên mạng, về cảnh các sinh viên đang uống rượu trên quảng trường khi các quán bar đóng cửa. Chính quyền phải tiến hành các chiến dịch trên mạng xã hội với hashtag #iorestoacasa hoặc #I’mstayinghome (tạm dịch: Tôi ở nhà), trong đó người nổi tiếng ở Italy cố gắng thuyết phục thanh niên hãy ở nhà.

Hàng nghìn người miền nam Italy đang làm việc ở miền bắc vội vàng về nhà vào cuối tuần qua để tránh bị kẹt ở miền bắc bị phong tỏa. Giovanni Rezza, một quan chức tại viện y tế quốc gia của Italy, đã lên tiếng phê phán điều này và gọi những người đó là “bom sinh học”.

Số giường bệnh ở Lombardy ngày càng ít đi, trong khi các bệnh nhân có bệnh khác đang được sơ tán sang các vùng khác. Nhưng một số bác sĩ hoài nghi chiến lược này.

“Nếu chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân 80 tuổi, và cứu sống được họ thêm hai tuần, cũng có thể sau đó họ lại tử vong, và chúng tôi sẽ lỡ cơ hội điều trị cho nhiều người khác có cơ hội sống sót cao hơn”, bác sĩ Marco Vergano ở bệnh viện San Giovanni Bosco ở Turin, miền bắc Italy, nói với nhật báo La Stampa.

 Hai phụ nữ đang đeo khẩu trang đi qua địa danh Trajan ở Rome ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Hai phụ nữ đang đeo khẩu trang đi qua địa danh Trajan ở Rome ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Virus đang lây xuống phía nam, và người Rome bắt đầu đeo khẩu trang và ra siêu thị mua hàng, nhưng các nhân viên chỉ cho vài người bên trong. Họ phải xếp hàng cách nhau 1 m.

Người dân sẽ phải điền tờ khai nếu phải rời thành phố mình ở, và vẫn được đi làm. Chính phủ đang cân nhắc ngưng việc trả các khoản vay mua bất động sản đối với gia đình và các doanh nghiệp nhỏ, trước viễn cảnh kinh tế Italy có thể rơi vào suy thoái.

Ở thủ đô Rome, các bậc cha mẹ có thể làm từ xa, còn con cái họ thì học từ xa. Chính phủ đề nghị du khách rời Italy, nhưng nhiều người không thể tìm được cách rời đi khi nhiều chuyến bay bị hủy.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phong-toa-khac-vu-han-covid-19-bien-italy-thanh-nha-tu-xinh-dep-post1058174.html