Phong tỏa Litva: Hành động kỳ lạ nhất của Gorbachev nhằm duy trì Liên XôTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

Đầu tháng 2-1990, tại Litva bắt đầu đề cập nghiêm túc đến việc tách hỏi khỏi thành phần Liên bang Xô viết. Bước đầu tiên là họ từ chối công nhận hiến pháp Liên Xô.Khởi xướng quá trình này là các thành viên của phong trào đối lập Sajudis, phe nhận được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Xô viết Tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Litva. Ngày 11-3-1990, các đại diện của phong trào Sajudis đã thông qua văn kiện khôi phục nền độc lập của Litva.Xe tăng tại trung tâm truyền hình ở thủ đô Vilnius của Litva, ngày 13-1-1991. Ảnh: AP/Alexander Zemlianichenko

Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô ngay lập tức phản ứng trước hành động này, tuyên bố văn kiện không có giá trị. Lúc đầu, Mikhail Gorbachev, người được bầu làm Tổng thống Liên Xô một ngày trước đó, đã nỗ lực tiến hành một cuộc đối thoại với phe đối lập Litva. Tuy nhiên, sự vô nghĩa của nỗ lực này đã buộc ông phải thực hiện những biện pháp cực đoan. Ngày 18-4-1990, ông áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với nước cộng hòa trong thành phần Liên Xô này. Cùng ngày, việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu ở Mazeikiai bị ngừng lại, sau đó là đóng van nguồn cung cấp khí đốt, cũng như cắt giảm nguồn cung lương thực cho Litva.

Những biện pháp như vậy càng khiến những người ủng hộ ý tưởng về quyền tự quyết trở nên đoàn kết mạnh mẽ hơn, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội ở Litva khi đó ngày càng xấu đi. Đường, muối và bơ thực vật chỉ còn đủ dùng thêm 2 tháng, trong khi dầu thực vật vốn trước đó được nhập về từ Ukraine thì nhanh chóng cạn kiệt. Do thiếu nguồn cung nguyên liệu, nên đến ngày 1-5-1990 đã có hơn 35.000 công nhân ở Litva bị mất việc làm.

Vậy là nước cộng hòa này quyết định đáp trả và đưa ra các biện pháp chống lại lệnh trừng phạt, bằng cách giảm 10% nguồn cung cấp thịt và các sản phẩm sữa cho Liên Xô. Đồng thời, chính quyền Litva tiến hành cải tạo cảng Klaipeda để tiếp nhận từ các nước phương Tây nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt. Không lâu sau đó, giữa Litva, Latvia và Estonia đã ký kết thỏa thuận về việc thành lập thị trường Baltic, với mục đích được cho là nhằm giảm sự phụ thuộc vào Liên Xô. Tuy nhiên, những biện pháp đó đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Các nhà chức trách buộc phải thả nổi giá thực phẩm, khiến giá cả ngay lập tức tăng gấp ba lần. Vì vậy, Litva đã phải áp dụng chế độ tem phiếu đối với thực phẩm.

“Khi đó, đài phát thanh thường xuyên đưa các chương trình ngắn về cách làm ấm nhiệt độ căn hộ hoặc cách nấu đồ ăn để tiết kiệm khí đốt và điện. Chẳng hạn, họ khuyên nên đổ nước sôi lên hạt ngũ cốc vào buổi tối để thành cháo có thể ăn vào sáng hôm sau”, nhà hoạt động Rasa Peslekiene kể lại.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế ở Litva đang xấu đi nhanh chóng, các lực lượng thân Liên Xô mạnh lên và kêu gọi quay trở lại dưới sự bảo trợ của Moscow. Các cuộc đình công bắt đầu nổ ra tại nhiều xí nghiệp ở Vilnius, Kaunas và Šiauliai. Thậm chí còn có những nỗ lực đột nhập vào tòa nhà của Xô viết Tối cao Litva. Chính phủ Litva do Kazimira Prunskiene đứng đầu đã khẩn cấp hủy bỏ quyết định tăng giá, sau đó thì từ chức hoàn toàn.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được các cuộc biểu tình của quần chúng. Những người biểu tình công khai kêu gọi giải tán Xô viết Tối cao, trong khi những người cộng sản Litva tuyên bố thành lập Ủy ban Cứu quốc của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Litva. Những khẩu hiệu ủng hộ Liên Xô ngày càng nhiều hơn, còn phe ủng hộ độc lập thì vẫn tiến hành các hoạt động của mình.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kinh tế của Moscow nhằm vào Litva thì có tác dụng ngược trở lại đối với chính Liên Xô, bởi khi đó có khoảng 100 xí nghiệp của Liên Xô đặt tại nước cộng hòa này. Khu vực Kaliningrad đã trải qua tình trạng thiếu điện trầm trọng, vốn được cung cấp từ Litva.

Đầu năm 1991, cuộc khủng hoảng ở Litva bắt đầu bước vào giai đoạn cuối. Ngày 8-1, các thành viên của tổ chức cộng sản “Thống nhất” ủng hộ Liên Xô đã thực hiện nỗ lực đột nhập vào tòa nhà của Xô viết Tối cao Litva. Đêm 9-1, binh lính của lực lượng đặc biệt Alpha được điều đến để hỗ trợ cho họ, các đơn vị quân đội sau đó cũng có mặt tại thủ đô Vilnius. Tổng thống Mikhail Gorbachev yêu cầu chính phủ Litva bãi bỏ mọi hành vi chống Liên Xô và trả lại hiến pháp Liên bang Xô viết.

Đêm ngày 12 rạng sáng 13-1, cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ độc lập và các lực lượng thân cộng sản đã lên đến đỉnh điểm. Một đoàn xe bọc thép của Liên Xô được điều đến để chiếm tháp truyền hình. Cuộc đụng độ này đã khiến 14 người chết và khoảng 600 người khác bị thương.

Nhờ sự can thiệp của Boris Eltsin cùng nhiều chính trị gia, nhà khoa học và giới hoạt động văn hóa Nga, nên đã ngăn chặn được một vụ thảm sát đẫm máu xảy ra. Những ngày đó, hàng trăm nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Manezh ở thủ đô Moscow, yêu cầu Gorbachev chấm dứt sự chuyên quyền. Đồng thời, Tổng thống Liên Xô cũng bị lên án ở phương Tây. Mọi nỗ lực tiếp theo nhằm khôi phục quyền kiểm soát đối với Litva bằng vũ lực đều bị thất bại.

Sau này, không có vị lãnh đạo cấp cao nhất nào của Liên Xô đứng ra nhận trách nhiệm về chiến dịch quân sự ở Vilnius. Litva trở thành nước cộng hòa đầu tiên tách khỏi Liên bang Xô viết. Tiếp theo đó, những nước cộng hòa còn lại bắt đầu đòi độc lập, dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô vào cuối tháng 12-1991.

Theo Quandoinhandan

THANH PHONG - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/467795-phong-toa-litva-hanh-dong-ky-la-nhat-cua-gorbachev-nham-duy-tri-lien-xo.html