Phòng trà ca nhạc: Mỏi mắt chờ nghệ sĩ, du khách
Âm nhạc tại các tụ điểm, phòng trà là 'đặc sản' của TP Hồ Chí Minh, nhưng theo chị Kiều Linh, một chủ phòng trà ca nhạc ở Quận 1: 'Do đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới khiến du khách tới TPHCM thưa vắng, các phòng trà ca nhạc đều vắng tanh'.
Vắng bóng ca sĩ ngoại
Việt Nam đã khống chế dịch bệnh thành công, không có người thiệt mạng, số ca nhiễm trong cộng đồng không xuất hiện, những tưởng đời sống văn nghệ, trong đó có âm nhạc sẽ sớm trở lại như trước, song không hẳn thế. Có mặt tại phòng trà Đồng Dao thuộc diện lâu năm nhất tại TPHCM, nhân viên tại đây cho hay: “Nhiều hôm chỉ hơn chục khách thôi, trong khi sức chứa của phòng trà hàng trăm khách”.
Nhận lời mời của các ca sĩ “anh lên ủng hộ các em với”, phóng viên tới xem một đêm diễn tại Đồng Dao, chỉ có 2 bàn chưa được mười khách. Chương trình biểu diễn trực tiếp trên mạng xã hội, người vào xem bình luận nhiều, tán thưởng liên tục, nhưng trong khán phòng, người phục vụ và nhạc công ca sĩ đông gấp mấy lần khách.
Nhạc sĩ Thanh Hải, người phối khí và chơi nhạc, đồng thời cũng là chủ phòng trà Đồng Dao nói: “Thường chúng tôi có khá nhiều ca sĩ hải ngoại về biểu diễn, nhưng vì dịch COVID-19, các chuyến bay về Việt Nam cực ít nên cũng không có ca sĩ. Ca sĩ Việt Nam khán giả vẫn nghe nhưng nghe nhiều quen quá. Chúng tôi đã phải hủy một số chương trình quan trọng đã lên lịch”. Mới nhất, phòng trà hủy sô của Lưu Bích do chị vẫn chưa bay được về Việt Nam.
Phòng trà WE cũng là một tụ điểm thường có nhiều ca sĩ hải ngoại biểu diễn. Lịch diễn hiện nay tuyệt đại đa số là các ca sĩ trẻ trong nước. Rất hy hữu mới có một chương trình với sự góp mặt của ca sĩ hải ngoại là đêm “Tình yêu và kỷ niệm” của bốn danh ca Họa Mi, Phương Dung, Giao Linh, Trang Mỹ Dung.
Người xem ca nhạc vào trang facebook của phòng trà Tiếng Xưa, một trong những phòng trà nhiều ca sĩ trẻ về từ Mỹ, Úc… thì chỉ thấy chủ phòng trà đăng rao bán, hoặc cho thuê nhà!
Liên lạc với chị Xuân Hòa, chủ phòng trà Tiếng Xưa, chị nói: “Phòng trà chúng tôi chỉ mời ca sĩ hải ngoại về diễn mà hiện giờ không có máy bay nên các ca sĩ bên đó không ai về được! Chúng tôi tạm đóng cửa phòng trà, lúc nào hết dịch sẽ mở lại”.
Chị Xuân Hòa còn cho biết: “Ca sĩ Anh Khoa đang ở Việt Nam, nhưng phòng trà vắng khách, không tổ chức diễn được, Anh Khoa lại tìm cách bay về Mỹ!”.
Vắng cả khách Tây, khách ta
Chị Quế Châu, làm việc trong một công ty du lịch của Pháp cho biết: “Công ty bên Pháp thông báo tạm ngưng hoạt động, chưa biết bao giờ mới mở lại!”.
Khu vực quận 1, thường là nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài. Theo thống kê, trước dịch COVID-19, mỗi ngày chợ Bến Thành đón khoảng 10.000 khách nước ngoài. Giờ đây, các công ty lữ hành quốc tế gần như ngưng hoạt động, đường bay quốc tế hiếm hoi, quá nửa sạp hàng trong chợ Bến Thành “đắp chiếu”.
Chị Kiều Linh, chủ phòng trà nhạc jazz tại Quận 1 (kế bên chợ Bến Thành) nói: “Chúng tôi biểu diễn nhạc jazz, 80% khán giả là khách nước ngoài. Các đường bay quốc tế chưa hoạt động nhiều, du khách chưa trở lại”. Chị nói thêm: “Những người nước ngoài làm việc tại TPHCM ư? Họ quay đi quẩn lại cũng chừng đó vị, mà họ còn phải đi quán nọ chỗ kia chơi, chứ không thể đêm nào cũng tới câu lạc bộ của tôi được!”.
Một nhóm nghệ sĩ nước ngoài, có lẽ chỉ khoảng vài chục người, vốn sinh sống làm việc tại Việt Nam từ trước khi dịch COVID-19 nổ ra, họ thường quần tụ tại quán Yoko ở quận 3 để chơi nhạc cùng nhau vào tối thứ Ba hàng tuần. Không khí khá trầm lắng, nhất là sau khi một nghệ sĩ guitar bị đột tử và được đưa về nước vào tuần trước. Một cuộc biểu diễn tưởng niệm người nghệ sĩ lang thang quá cố đã được tổ chức tại quận 1.
Ca sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn nói với tôi: “Em đi hát cả các phòng trà phục vụ khán giả nhà là người dân thành phố, chủ yếu hát nhạc xưa, vài năm trở lại đây khách rất vắng”. Lý do lớp trẻ ngày nay không nghe nhiều nhạc xưa. “Những buổi diễn nhạc xưa hồi trước kín chỗ, nay khách chỉ đếm đầu ngón tay” - Mạnh Tuấn nói.
Các tụ điểm phục vụ du khách nước ngoài, khách từ các tỉnh tới, khách trong nước thích nhạc ngoại đang trở thành “điểm sáng” thu hút khách. Các quán này biểu diễn nhạc rock, jazz, blues… ngoại quốc, điển hình như Sax n’ Art jazz club, Yoko bar, Lela, Acoustic bar… Tuy vậy, dịch bệnh COVID-19 cũng đang giáng một đòn mạnh vào các phòng trà chuyên về nhạc ngoại quốc. Ca sĩ Tố Phương, chủ quán Yoko nói: “Sau cách ly, khách còn khoảng 60% so với trước dịch và hầu như chưa có khách nước ngoài”.
Quán nhạc jazz của chị Kiều Linh trước kia mở suốt tuần, nhưng giờ nghỉ tối thứ Hai và tối thứ Ba. Chị Linh nói: “Thật ra, chỉ mỗi tối thứ Bảy là quán tôi đông khách. Chúng tôi duy trì hoạt động của quán cốt để tạo công ăn việc làm cho các nhạc công, các em phục vụ quán. Đơn thuần tính toán kiểu đầu óc kinh doanh thì chỉ nên mở mỗi tối thứ Bảy, vì mỗi tối đó là có lãi!”.
Cần sự thay đổi
Một chủ phòng trà ca nhạc đứng tuổi nói với phóng viên: “Dịch bệnh COVID-19 rất nguy hiểm, nhất là đối với người già. Nó cũng tàn phá nền kinh tế. Cô rất ủng hộ việc hạn chế khách du lịch đến từ vùng dịch để đảm bảo an toàn cho mọi người”. Song, hạn chế khách du lịch quốc tế khiến cho ngành du lịch lao đao. Các phòng trà ca nhạc phục vụ du khách nước ngoài thực chất cũng là một phần trong du lịch văn hóa của thành phố, và họ cũng chới với theo.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã qua đỉnh dịch nhưng không ít quốc gia vẫn đang “lên đỉnh”, nhiều nước có hiện tượng COVID-19 quay trở lại sau một thời gian chìm lắng. Trong bối cảnh này, các phòng trà ca nhạc tại TPHCM buộc phải tính tới một “cuộc chiến dài lâu”.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết ban nhạc của anh đang tăng tỷ lệ biểu diễn các tác phẩm kinh điển của Việt Nam nhằm phục vụ khách trong nước nhiều hơn. “Không thể cứ mãi chờ đợi khách nước ngoài trong hoàn cảnh cách ly xã hội vẫn áp dụng khắp các châu lục”. Khách Tây chưa thấy trở lại, thì theo câu các cụ dạy: “Ta về ta tắm ao ta”.
Mới đây, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ lời kêu gọi khán giả đến với phòng trà nhạc jazz của anh: “Kính mời mọi người hãy đến thưởng thức những tác phẩm Jazz kinh điển, Jazz fusion của các NS như: Frank Sinatra, Billie Holiday, Charlie Parker, John Coltrane, Sonny Rollins, Stand Getz many more... Đặc biệt là những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sỹ Việt Nam: Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn & Từ Linh, Phú Quang, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên theo phong cách Jazz & Blues và cả những sáng tác của NS Trần Mạnh Tuấn theo phong cách dân gian & fusion”.