Phòng tránh độc tố tự nhiên trong thực phẩm
Nấm, sắn, cà chua xanh,… là những loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên.
Ngoài những thực phẩm kém chất lượng dẫn đến ngộ độc cho người sử dụng thì bên cạnh đó còn có những loại thực phẩm bản thân của nó đã chứa độc tố tự nhiên. Chính vì thế người tiêu dùng nên lưu ý để biết cách chế biến và sử dụng sao cho phù hợp, tránh phải bị ngộ độc do những thực phẩm này gây nên.
1. Nấm
Trên thực tế có nhiều người đã bị ngộ độc do nấm, tình trạng nặng có thể dẫn đến tử vong. Nấm có loại độc và có loại không độc. Nhóm nấm độc lực cao, gây tử vong cao, điển hình là nấm amanita phalloides, A. ocreata, A. verna... Chính vì thế người dân nên tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm dại, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần.
2. Sắn
Trong sắn có chứa chất độc xyanua. Trường hợp người dùng với lượng nhiều chất này sẽ bị ngộ độc. Chính vì thế người tiêu dùng phải biết cách chế biến sắn để nhằm loại bỏ chất độc xyanua. Nên lột bỏ vỏ sắn, ngâm vào nước lạnh trong nhiều giờ để bớt độc tố. Khi nấu nên mở nắp nồi để chất độc có thể bay bớt.
3. Củ cải trắng
Ở củ cải trắng có chứa độc tố furocoumarins. Chất độc này có nhiều ở lớp vỏ của củ cải. Khi tiếp xúc nó có thể gây phản ứng rát bỏng trên da hoặc có thể gây đau dạ dày. Chính vì thế khi chế biến người dùng nên gọt bỏ vỏ. Trong khi nấu, gia nhiệt trong lò vi sóng củ cải cũng sẽ hết độc.
4. Măng
Trong măng có độc chất xyanua. Chất này có thể kết hợp với một số enzym hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Chính vì thế, trước khi chế biến nên rửa kỹ, ngâm trong nước nhiều giờ. Luộc qua 1-2 lần để tránh ngộ độc khi dùng.
5. Hạt điều
Trong hạt điều thô có chứa độc tố urushiol, nếu độc tố này vào cơ thể với số lượng lớn có thể gây tử vong. Chính vì thế không nên ăn hạt điều thô chưa qua xử lý. Chỉ sử dụng hạt điều đã được hấp để loại bỏ độc tố.
6. Cà chua còn xanh
Trong cà chua xanh có chứa chất độc solanine. Nếu ăn quá nhiều người dùng có thể dẫn tới chóng mặt, buồn nôn. Nếu ăn sống cà chua xanh thì khả năng ngộ độc cao. Chính vì thế người tiêu dùng nên ăn cà chua khi đã chín.