Phòng tránh đuối nước cho trẻ

Mùa hè là thời điểm được các bạn nhỏ háo hức chờ đợi nhất trong năm, bởi đây là lúc các em được tạm gác chuyện đèn sách để vui chơi thỏa thích. Và đắm mình trong dòng nước mát lạnh luôn là hoạt động được đón chờ nhất trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, đây là nguy cơ dễ gây ra tai nạn đuối nước và cũng là vấn đề lo lắng của nhiều bậc phụ huynh.

Bơi lội, tắm mát ngày hè rất thú vị nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của các em nhỏ.

Tuy mới chớm hè, thời tiết chưa thực sự quá nắng nóng nhưng dọc ven con sông Bài, đoạn chảy qua xã Anh Sơn (thị xã Nghi Sơn) cứ khoảng từ 16 – 17 giờ lại có nhiều trẻ em tắm sông, nô đùa trong nước. Theo quan sát của chúng tôi, lòng sông tuy không rộng nhưng mực nước sâu, nơi các em nô đùa lại ít người qua lại, không có người lớn giám sát và cũng không có một phương tiện hỗ trợ nào như phao tắm, áo phao... Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ nhưng dường như người lớn vẫn thờ ơ, thiếu cảnh giác.

Chiều ngày 23–4, tại vùng biển thuộc địa phận xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), 4 em học sinh lớp 5, lớp 6 rủ nhau tắm biển và tai nạn đã xảy ra khiến các em bị đuối nước. Đây là nỗi đau lớn mà gia đình và người thân các em phải gánh chịu đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ cần đặc biệt quan tâm đến mọi hoạt động của con em mình, nhất là trong kỳ nghỉ hè sắp tới.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Thanh Hóa là địa phương có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, nhiều sông ngòi, ao hồ, nhiều vùng nước sâu nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Do đó, vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Từ các vụ đuối nước cho thấy, sự việc thường xảy ra vào mùa hè - thời điểm các em được nghỉ học hoặc vào ngày nghỉ. Địa điểm xảy ra thường là các bãi biển, ao, hồ, sông, suối, ngầm tràn và ngay cả những hố nước nhỏ nhưng sâu, hay tại chính ao của gia đình. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị đuối nước là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn hạn chế. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng trẻ chủ quan. Bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ chưa thật sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, biển báo nguy hiểm; các giếng, bể nước không có nắp đậy... cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước.

Anh Trần Nam Giang, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Từ 3 năm trước, khi 2 con đang ở tuổi mầm non, tôi đã cho các cháu theo học bơi dưới sự hướng dẫn của các thầy dạy bơi chuyên nghiệp. Vào mỗi kỳ nghỉ hè, tôi thường đưa các con đến các bể bơi tập trung để các con được vui chơi thỏa thích. Đây cũng là sân chơi an toàn, bổ ích bởi luôn được người lớn, giáo viên giám sát cũng như chỉ bảo chi tiết kỹ năng bơi lội và ứng phó với từng tình huống xấu cho từng bạn nhỏ.

Không có điều kiện đầy đủ như trẻ thành phố, nhiều trẻ em vùng nông thôn không có các điểm vui chơi dành cho trẻ em vào mùa hè nên các em thường tự tụ tập vui chơi rồi tìm đến các ao, hồ, sông, suối để tắm, nô đùa. Đây là nguyên nhân chính lý giải cho tỷ lệ đuối nước của trẻ em vùng quê luôn cao hơn trẻ em thành thị.

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) cho biết: Từ nhiều năm nay, các lớp dạy bơi tại các địa phương đã đào tạo cho hàng nghìn trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi tự biết bảo vệ mình trong môi trường nước. Đội ngũ cộng tác viên, cha mẹ học sinh cũng được tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu khi trẻ gặp nạn... Một trong những yếu tố quan trọng khác để hạn chế tai nạn đuối nước là chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, bố mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác, không chủ quan dù mình đã biết bơi...

Để hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm và hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực, địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước đối với trẻ em; kịp thời phát hiện, có biện pháp hỗ trợ, trợ giúp đối với các trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước. Phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở về dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em...

Công tác phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự chung tay của cả cộng đồng. Và mùa hè chỉ thực sự vui, có ý nghĩa trọn vẹn khi các em được an toàn với những trải nghiệm bổ ích.

Bài và ảnh: Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phong-tranh-duoi-nuoc-cho-tre/136025.htm