Phòng tránh thương vong từ tai nạn do điện giật, cây đổ mùa mưa bão

Nhiều vụ tai nạn thương vong do cây đổ, điện giật xảy ra trong thời gian qua phần lớn là thiếu thông tin, chủ quan trong khi di chuyển, trú mưa dưới gốc cây cổ thụ, đường dây diện cao thế trong ngày xảy ra mưa bão. Hiện bắt đầu vào mùa mưa bão, người dân cần có những kỹ năng, kiến thức để đảm bảo an toàn cho mình và người thân.

Cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai đến hiện trường phối hợp với công nhân môi trường dọn dẹp cây đổ

Cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai đến hiện trường phối hợp với công nhân môi trường dọn dẹp cây đổ

Hạn chế đi, đứng dưới tán cây khi có giông, bão

Mới vào đầu mùa mưa bão nhưng Hà Nội đã xuất hiện tình trạng cây bật gốc, gãy cành trên một số tuyến phố. Hậu quả, nhiều phương tiện, xe mô tô, ô tô bị đè bẹp, hư hỏng nặng do ngâm trong nước...

Điển hình, đêm 20 rạng sáng 21-4-2024, cây xanh bật gốc, gãy đổ được ghi nhận xảy trên nhiều tuyến phố như Hàng Bạc, Nhà Chung, Bà Triệu, Tràng Thi, Quán Sứ - quận Hoàn Kiếm; Hoàng Đạo Thúy - quận Cầu Giấy; Quang Trung - quận Hà Đông... gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Ngoài ra, nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũng bị hư hỏng do cây đổ đè trúng.
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CSGT, Công an phường, quận và công nhân vệ sinh môi trường, công nhân thoát nước, công nhân công viên cây xanh… đã phải triển khai ứng trực dọn dẹp cây gãy đổ, trả lại “đường thông, hè thoáng” tạo thuận lợi cho người dân di chuyển vào sáng hôm sau.

Còn nhớ, trận mưa bão xảy ra khoảng 17h45 chiều 29-8-2019 tại phố Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, 1 cây đổ đè chết anh Nguyễn Hữu T (26 tuổi), trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cùng thời điểm đó, tại ngã tư Bưởi, 1 cây đổ làm ông Nguyễn Xuân Đ (48 tuổi), trú tại quận Đống Đa bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức; tại đường Hoàng Hoa Thám, cây đổ lên ô tô làm vỡ kính lái, may mắn tài xế không bị thương. Thời điểm đó giao thông giờ tan tầm tắc nghẽn nhiều nơi.

Đề phòng tình hình mưa giông còn diễn biến trong thời gian tiếp theo, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cần lưu ý những công trình giao thông có sử dụng hàng rào tôn quây chắn trên đường phố cần tiến hành rà soát, gia cố bảo đảm an toàn

Đề phòng tình hình mưa giông còn diễn biến trong thời gian tiếp theo, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cần lưu ý những công trình giao thông có sử dụng hàng rào tôn quây chắn trên đường phố cần tiến hành rà soát, gia cố bảo đảm an toàn

Theo chuyên gia cứu nạn, cứu hộ Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm: “Thiên tai, tai nạn khó có thể đoán trước được điều gì, nhưng với thực trạng cây đổ trong mưa bão người dân hoàn toàn có thể hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Việc đầu tiên chủ nhân phương tiện cần di chuyển xe khỏi các nơi có cây cổ thụ, nhà xưởng tạm bợ, dưới tuyến đường dây cáp điện trong mùa mưa bão.
Trong khi di chuyển gặp giông lốc bất ngờ cần tìm nơi gần nhất và an toàn dừng phương tiện tạm thời nhưng không nên dừng dưới các điểm nguy hiểm như tán cây lớn, đường điện.
Trường hợp nhà, công trình bị ngập nước qua các ổ cắm, dây dẫn, thiết bị điện sau khi nước rút phải kiểm tra đảm bảo điều kiện an toàn, khô ráo mới đóng điện trở lại. Các dây dẫn điện phải đảm bảo cách ly so với các mái tôn nhà ở, công trình để tránh va chạm lâu ngày làm mất lớp cách điện gây rò điện nguy hiểm cho việc sử dụng điện và sửa chữa nhà, công trình.

Ngoài ra, người dân không được tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện; cắt ngay cầu dao đầu nguồn điện vào nhà; không đứng chơi đùa dưới cột điện, trèo lên cột điện, trạm điện, dây chằng điện, chặt cây gần đường dây điện vì có thể bị phóng điện. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước…”.

Rà soát, loại bỏ cây hư hỏng

Thực tế, trong môi trường đô thị, không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây. Tình trạng cây xanh bị bức tử ở những tuyến phố lớn của Hà Nội vẫn đang nhức nhối.

Cây xanh với bộ rễ lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ bật gốc, gãy đổ trong mùa mưa bão tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy

Cây xanh với bộ rễ lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ bật gốc, gãy đổ trong mùa mưa bão tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy

Ghi nhận trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy sau khi cải tạo, lát vỉa hè có cảm giác bất an nếu di chuyển trên tuyến này vào lúc mưa bão. Hàng loạt cây xanh bị lộ rễ, có nguy cơ bật gốc bởi việc phát triển hạ tầng. Những hàng cây xanh lớn bị trồi gốc, rễ bởi sau khi thi công vỉa hè đã thấp hơn gốc cây.

Đáng lo hơn là những tuyến phố mới trồng cây được 1 đến 2 năm. Mặc dù cơ quan chức năng đã dùng gông sắt chống đỡ nhưng do việc trồng cây có thân cao lớn, phần nền móng nông khiến dễ khó bám giữ được khi mưa xuống.

Có thể nói, trong thời gian qua, lực lượng quản lý cây xanh trong thành phố tuy đã rất cố gắng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, phát triển cây xanh đô thị theo đúng quy định. Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng thiếu đồng bộ dẫn đến một thực tế tình trạng cây xanh gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản tại các thành phố lớn năm nào cũng xảy ra, nhẹ thì xây xát, nặng thì thương vong, hư hại tài sản.
Theo người dân, đây là những vụ tai nạn không báo trước cho dù trời đang mưa dông hay nắng ráo, trong đó đáng báo động nhất là trong mùa mưa bão.

Cây đa cổ thụ trên phố Yết Kiêu bị bật gốc trong cơn mưa ngày 25-7

Cây đa cổ thụ trên phố Yết Kiêu bị bật gốc trong cơn mưa ngày 25-7

Vì vậy, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thiết nghĩ, các thành phố lớn cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh những biện pháp tình thế như cắt ngọn, tỉa cành, thậm chí về lâu dài cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi; phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế. Đó cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu và đưa ra những can thiệp kịp thời đối với hệ thống cây xanh, kể cả những công trình xây dựng hạ tầng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh, nhằm đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan đô thị.

Đức Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-tranh-thuong-vong-tu-tai-nan-do-dien-giat-cay-do-mua-mua-bao-post584300.antd