Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, người lớn cần trang bị kiến thức pháp luật
Ngoài kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ, gia đình còn cần có kiến thức pháp luật cơ bản để xử trí khi gặp phải các vụ việc liên quan đến con cái.
Trẻ trai vẫn có thể bị xâm hại tình dục
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ để các con có hiểu biết phòng tránh xâm hại tình dục. Vai trò của nhà trường, cộng đồng trong việc truyền thông cũng đặc biệt quan trọng. Bởi vì khi vị thế gia đình bị phá vỡ, ngay trong chính gia đình có người xâm hại thì việc truyền thông, giám sát phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em ở nhà trường, cộng đồng là rất quan trọng.
Khi bị xâm hại, trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn tới tinh thần. Phần lớn nạn nhân bị tổn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai. Trẻ sẽ không có sự phát triển bình thường, gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập. Trẻ trai hay gái, có nhận thức hay chưa đủ nhận thức đều có thể là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.
Theo luật sư Cường, khá nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra và phải mất rất nhiều năm, mới bị tố cáo, phơi bày ra ánh sáng. Nhưng lúc này hiệu lực xử lý các vụ án đã hết, hoặc không thể thu nhập được chứng cứ.
“Ngay khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà, cộng đồng phát hiện cần tố cáo ngay với cơ quan công an. Nếu là xâm hại tình dục, cần giữ nguyên hiện trường, gọi điện tố cáo với cơ quan chức năng thực hiện giám định, thu lại chứng cứ. Với những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị dâm ô thời gian dài, quá lâu, các nạn nhân vẫn có thể tố cáo”, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp nhấn mạnh.
Nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, trường học
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, từ tháng 9/2019 tới tháng 9/2021, nước ta ghi nhận tới hơn 4.000 ca xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, trong đó 20% nạn nhân là trẻ em nam. Đáng lo ngại, đa phần thủ phạm là người thân, người quen với trẻ em.
Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ thực hiện nhiệm vụ này đối với những trường hợp người thân trong gia đình bị bệnh lý về tình dục hoặc suy thoái đạo đức. Các em còn đang ở độ tuổi trong sáng, dễ tin tưởng những người xung quanh mình, nhận thức về việc bảo vệ cơ thể còn hạn chế.
Đặc biệt, hầu hết trẻ em nam tiếp xúc với người cùng giới hầu như không phòng bị, đặc biệt trong các mối quan hệ thầy - trò, con cái - cha mẹ... Trong các mối quan hệ ấy, nhiều em ở trong thế bị động và không dám phản kháng, tố cáo. Chính vì vậy, việc các cơ quan chức năng tăng cường cung cấp, trang bị cho trẻ em các kỹ năng để bảo vệ bản thân, giúp các em tránh khỏi những hành vi xâm hại tình dục là vô cùng quan trọng.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, với những tội liên quan tới xâm hại tình dục, bất kỳ ai phát hiện đều có quyền tố cáo, tố giác tội phạm và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra xác minh, giám định. Luật sư Đặng Văn Cường cũng khuyến nghị, cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, trường học trong việc phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em.
Ngay khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà cố gắng bảo quản hiện trường, tạo điều kiện để cơ quan chức năng thực hiện giám định, thu lại chứng cứ. Đồng thời, cho con đi thăm khám, giám định tại bệnh viện có chứng nhận của bác sĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chia sẻ, động viên các con để khai ra các hành vi của người phạm tội…
Dạy trẻ kiến thức về giới tính
Cô giáo Nguyễn Thị Thương (Trường THCS Thuận Thành, Bắc Ninh) cho rằng, một trong những kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em quan trọng mà bố mẹ nên dạy đó là kiến thức về giới tính và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể như ngực, miệng, mông, vùng giữa hai đùi. Người lớn cần giáo dục cho bé nhận biết rằng các bộ phận đó là của riêng bé và không nên cho bất kỳ ai đụng chạm hoặc sờ mó. Nhiều trường hợp, bé không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề vì thiếu hiểu biết.
Bố mẹ nên tâm sự nhiều với con cái và nhắn nhủ rằng luôn ở bên và bảo vệ bé, con có thể kể bố mẹ nghe bất cứ điều mà con gặp phải. Đặc biệt, nếu trẻ bị người xấu đe dọa thì không nên sợ hãi mà hãy nói chuyện với bố mẹ để có thể bảo vệ con tốt hơn.
“Một trong những kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em mà các bậc phụ huynh cần dạy đó là khi bị người lạ có ý đồ xấu thì trẻ có thể làm những hành động phản kháng lại như chạy trốn, đá, cào, cắn, la lên thật to... để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Ngoài ra, bé cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy xung quanh như chú bảo vệ, chú cảnh sát, hàng xóm xung quanh...”, cô Thương nhấn mạnh.