Phong trào Fatah cảnh báo hệ quả từ kế hoạch hòa bình của Mỹ
Một thành viên cấp cao của Phong trào Fatah của Paletine đã cảnh báo rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ có thể sẽ dẫn tới việc người Palestine buộc phải di dời.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 3/2, Bộ trưởng Kinh tế Palestine Khaled al-Osaily tuyên bố Palestine đã quyết định cấm nhập khẩu các sản phẩm của Israel.
Quyết định này sẽ có hiệu lực sau 48 giờ và được áp dụng đối với các loại rau, trái cây, đồ uống, nước khoáng và nước hoa quả của Israel.
Bộ trưởng Al-Osaily nêu rõ quyết định cấm nhập các sản phẩm của Israel là nhằm đáp trả việc Israel cấm nhập khẩu đối với các nông sản của Palestine.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Palestine, giá trị nông sản của Palestine xuất sang thị trường Israel đạt 88 triệu USD năm 2018. Trong khi đó, lượng nông sản của Israel xuất sang Palestine đạt 600 triệu USD.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cho biết chính quyền Palestine sẽ thảo luận trong cuộc họp Nội các vào tuần tới về quan hệ thương mại với Israel liên quan đến việc Israel cấm nhập khẩu các sản phẩm của Palestine.
Trong một diễn biến khác, một thành viên cấp cao của Phong trào Fatah của Paletine đã cảnh báo rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ có thể sẽ dẫn tới việc người Palestine buộc phải di dời.
Nasser al-Qudwa, một thành viên cấp cao của phong trào Fatah đã đưa ra tuyên bố trên tại hội thảo chính trị được tổ chức tại Ramallah.
Ông al-Qudwa nhận định kế hoạch hòa bình Trung Đông mang tên "Thỏa thuận thế kỷ" đang đặt ra những điều kiện khiến việc thiết lập nhà nước Palestine độc lập là không thể và thực tế là nó không công nhận sự tồn tại của nhà nước này.
Quan chức này cho rằng về cơ bản là không có thỏa thuận hay kế hoạch hòa bình trong suy nghĩ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông, đây là một phần trong chính sách của Mỹ khởi đầu với việc bác bỏ giải pháp hai nhà nước, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và hợp pháp hóa các khu định cư.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi dài 80 trang, trong đó kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song vẫn tuyên bố Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Người Palestine đang nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine với các phần lãnh thổ bên trong các đường biên giới trước năm 1967, và thủ đô là Đông Jerusalem./.