Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở vùng biên Quan Sơn
Nhiều năm về trước, việc phát triển kinh tế ở vùng biên huyện Quan Sơn vẫn nặng tính tự cung, tự cấp là chính, thiếu các mô hình sản xuất hiệu quả. Ít năm gần đây, nhiều thanh niên với tinh thần dám nghĩ, dám làm, có bước đột phá trong tư duy để xây dựng các mô hình sản xuất quy mô ngày càng lớn. Tiềm năng to lớn của những vùng núi đồi bao la đang được khơi dậy nhờ sức trẻ và những cách làm mới.
Sản xuất tăm và nan thanh tại cơ sở chế biến nông sản của thanh niên Hà Văn Hiệu ở bản Sại, xã Tam Lư.
Với gần 10.000 đoàn viên, thanh niên, lực lượng lao động trẻ ở huyện Quan Sơn đã, đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo anh Phạm Đức Lương, Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn, hiện tại đã có hàng chục thanh niên trên địa bàn đã khởi nghiệp thành công. So với nhiều huyện, hàng chục là con số khiêm tốn, song với huyện vùng biên Quan Sơn, đó là bước tiến dài trong phong trào lập thân, lập nghiệp của lực lượng thanh niên. Từ nguồn vốn vay khởi nghiệp qua kênh huyện đoàn với 50 triệu đồng cách đây vài năm, nhiều thanh niên đã nhân thành các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình trong số đó phải kể đến mô hình nuôi bò của thanh niên Vi Trọng Long ở bản Phú Nam, xã Trung Xuân. Lúc cao điểm, đàn bò của anh Long lên tới 30 con, lợi nhuận hàng năm hơn 100 triệu đồng. Tại bản Sại, xã Tam Lư, mô hình trồng rau an toàn rộng hơn 1 ha của thanh niên Hà Văn Tập cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tương tự, mô hình 3 ha trồng rau an toàn kết hợp nuôi giun quế do thanh niên Ngân Văn Học, quê bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy làm chủ cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài những thanh niên đã khởi nghiệp thành công, nhiều thanh niên khác tại huyện vùng biên này đã tự vay mượn, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế. Theo sự giới thiệu từ cán bộ Huyện đoàn Quan Sơn, chúng tôi tìm về bản Sại, xã Tam Lư. Tại đây, chủ xưởng sản xuất lâm sản lớn nhất vùng – thanh niên Hà Văn Hiệu, cho biết: Quan Sơn có thảm rừng nứa, rừng vầu cho sản lượng khai thác lớn nhưng bán lâm sản dưới dạng nguyên liệu thô là chủ yếu. Trăn trở tìm hướng nâng cao giá trị cây nứa, cây vầu, tôi đã sử dụng 200 triệu đồng vốn tích lũy của bố mẹ, vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng để gây dựng cơ sở sản xuất, mua máy móc hiện đại sản xuất tăm và xây lò hấp nan thanh. Nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động tại chỗ, tổ chức sản xuất tại chỗ nên chi phí sản xuất thấp. Sản phẩm sản xuất ra được xuất bán trực tiếp, giảm chi phí khâu trung gian khiến lợi nhuận tăng lên. Với thu nhập hàng năm có được, Hiệu liên tục tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tổng mức đầu tư vào cơ sở sản xuất của Hiệu đã lên gần 700 triệu đồng. Phần thải ra của nguyên liệu nứa và vầu được thu gom, tái sử dụng làm nhiên liệu đốt, sấy nan hoặc bán cho các cơ sở sản xuất giấy nên hạn chế ảnh hưởng đến vấn đề môi trường. Từ sự thành công của mình, thanh niên Hà Văn Hiệu còn hướng dẫn kỹ thuật cho một số thanh niên trong xã như Hà Văn Khoa ở bản Muống, Lộc Văn Thích ở bản Hát mua sắm máy chế biến nan thanh, tạo việc làm thêm cho 15 lao động.
Cùng bản Sại, thanh niên Hà Văn Tập đã chủ động học hỏi công nghệ, kỹ thuật trồng rau an toàn và mạnh dạn chuyển diện tích chuyên canh lúa thiếu nước tưới của gia đình, thuê thêm diện tích đất canh tác của 3 hộ nông dân, tạo nên vùng đất sản xuất khoảng 5.000m2, trong đó có 500m2 trồng rau an toàn trong nhà lưới. Cơ sở sản xuất hiện luân canh hơn ba vụ rau màu/năm, giá trị thu nhập gấp hai lần trồng lúa, tạo việc làm cho 3 lao động. Sản phẩm trồng trọt gồm các loại rau, dưa chuột,... hiện cung ứng cho nhân dân trong xã và 3 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Hà Văn Tập cho hay, đã có hơn 10 thanh niên trong xã đến tham quan, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau sạch và thanh niên miền núi mong vay được các nguồn vốn lãi suất thấp, được tập huấn, tiếp thu thêm các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ tham quan các mô hình sản xuất để học tập, làm theo.
Có thể nói, khát vọng làm giàu của thanh niên vùng biên Quan Sơn đã và đang được khơi dậy và nhân lên. Nhiều thanh niên mong muốn được vay vốn khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế trên chính quê hương.