Phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân
Trong 5 năm qua (2015 - 2020), tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Chính phủ và UBND tỉnh phát động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung này.
Đồng chí Ngô Hùng:Trong 5 năm qua, tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và tỉnh phát động. Theo đó, tỉnh tập trung cho 4 phong trào trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Sóc Trăng cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Các phong trào thi đua được thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng; từ đó ngày càng nâng cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Là tỉnh có 2/3 người dân sống ở khu vực nông thôn, điều kiện sinh hoạt, sản xuất còn nhiều khó khăn, việc triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Kết quả, toàn tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp gần 520.000m2 đất, trên 294.000 ngày công lao động và gần 314 tỉ đồng xây dựng, sửa chữa trường học, đường nông thôn, cầu giao thông, xây dựng nhà cửa… tạo diện mạo nông thôn khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở nông thôn. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 51/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,75%; các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và TX. Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Sóc Trăng cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các ngành, địa phương triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Trong 5 năm, “Quỹ vì người nghèo” các cấp vận động được hơn 111 tỉ đồng, qua đó hỗ trợ xây dựng và bàn giao được 1.906 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ khám, chữa bệnh, tặng quà cho hộ nghèo… Bên cạnh đó, các ngành, các cấp và hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chủ động, sáng tạo trong hỗ trợ vốn cho đoàn viên, hội viên, nhân dân phát triển kinh tế; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo… góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,91% (cuối năm 2015 là 8,88%).
Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tổ chức đối thoại doanh nghiệp, qua đó kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn… Kết quả, trong giai đoạn 2015 - 2020, có thêm 2.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỉ đồng, đến nay tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh là 3.300 doanh nghiệp. Phong trào thi đua đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh, từng bước đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Nhằm cụ thể hóa phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục thông qua những việc làm cụ thể, hàng ngày của công chức, viên chức trên mọi lĩnh vực công tác, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua, kết hợp chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; đổi mới phong cách, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành giờ giấc làm việc, văn hóa giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp từ đó đã góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Các phong trào thi đua đã tác động thế nào đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong thời gian qua, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Hùng:Xác định thi đua là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong những năm qua công tác thi đua, khen thưởng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành chặt chẽ của UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, sự nỗ lực tích cực của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, từ đó phong trào thi đua ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu và tác động tích cực đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,15%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng trưởng bình quân 13,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, từ 140 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.060 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 26,7%/năm. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện toàn tỉnh có 335/478 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 70%, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các địa phương. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp tiếp tục được hoàn thiện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Ngô Hùng: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, làm cho phong trào thi đua thực sự là động lực, là đòn bẩy, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của địa phương. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua gắn với tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để điều chỉnh, khắc phục, chống bệnh thành tích, hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể trong tỉnh tạo phong trào hành động cách mạng tự giác của toàn dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước… Quan tâm phát hiện, biểu dương, tôn vinh các điển hình, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu học tập cách làm hay, mô hình mới để nhân rộng các điển hình tiên tiến, đặc biệt chú trọng đến việc khen thưởng đột xuất nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!