Phong trào tự học trong các trường học
Chủ động sắp xếp thời gian học tập khoa học, hợp lý; tổ chức học nhóm, tự tra cứu tài liệu... là những giải pháp được các trường trong tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả.
Sau những giờ học trên lớp, Nguyễn Khánh Linh, thủ khoa chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Lào Cai xây dựng thời khóa biểu tự học ở nhà. Hình thành thói quen tự học từ lớp 3, Linh tâm sự: Thời gian tự học của em bắt đầu từ 14 - 17 giờ, em làm bài tập về nhà cho ngày hôm đó. Từ 19 - 20 giờ 30 phút, em chuẩn bị bài ngày hôm sau và đọc thêm sách để trang bị kiến thức mới. Thời gian ngủ của em sau 20 giờ 30 phút, đến 5 giờ, em ôn lại bài cũ và chuẩn bị đi học.
Đối với môn Lịch sử, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, Linh mua thêm sách, truyện lịch sử, xem video phân tích sự kiện lịch sử trên internet… “Học thuộc lòng không phải là cách tốt, mà em học theo chủ đề, ý chính, lập biểu đồ. Khi tự học sẽ hình thành thói quen, giúp em hiểu và nắm chắc bài, nhớ kiến thức lâu hơn”, Linh cho biết.
Dù không đến bất cứ trung tâm ôn luyện nào nhưng Nguyễn Ngọc Tiến, lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Lào Cai vẫn đạt điểm SAT 1.510/1.600, lọt top 2% người có điểm SAT cao nhất thế giới. Tiến chia sẻ bí quyết tự học của mình: Để học tốt ngôn ngữ Anh, không có cách nào khác ngoài việc tiếp xúc thật nhiều với ngôn ngữ bằng cách như nghe nhạc, xem phim, đọc sách… Ngày thường, em dành nhiều thời gian để nghe tiếng Anh qua các website, như IELTS Training Online, IELTS Online Tests, Study4, IELTS Listening Recent Actual Test, IELTS Online Practice Tests Free… Mỗi ngày, em dành khoảng nửa tiếng nghe đi nghe lại nội dung mình yêu thích. Đó có thể là các bài báo, bài hát, bài luận khoa học trên mạng xã hội bằng tiếng Anh…
Việc tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ học sinh tự học được các trường trong tỉnh quan tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết: Những năm học qua, nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên hỗ trợ học sinh tự học. Nhà trường duy trì việc đọc báo, giới thiệu sách mới, khuyến khích học sinh đến thư viện tìm tài liệu phục vụ việc học. Để học sinh tự học hiệu quả, điều quan trọng là giáo viên phải tạo được sự hấp dẫn ở chính nội dung bài giảng của mình, kích thích trí tưởng tượng, thu hút các em muốn tìm tòi, khám phá, phát hiện ra nhiều điều lý thú cho bản thân.
Cũng theo cô Giang, để học sinh tự học tốt, cần hướng dẫn các em thực hiện các bước, như chuẩn bị bài mới, tự học trên lớp, phát huy suy nghĩ của mình trong hoạt động nhóm, phát biểu xây dựng bài…
Thư viện Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai có không gian yên tĩnh, thoáng đãng, nguồn tài liệu phong phú. Bên cạnh đầu sách, tài liệu về các chuyên ngành, tại phân hiệu còn có các nguồn tài liệu đa phương tiện về kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, hướng dẫn thực hành, sách nói; các sách về văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thư giãn (truyện ngắn, tác phẩm văn học, tiểu thuyết), báo, tạp chí…
Lèng Thị Nghiệp, Khoa Nông - Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: Với mô hình thư viện truyền thống song song với thư viện điện tử, chỉ cần một cú click chuột, em dễ dàng tìm được tài liệu mình mong muốn. Thư viện còn là nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ, thảo luận nhóm và thực hành trực tiếp với những tài liệu có sẵn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên cán bộ và đồng bào: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Học không bao giờ cùng”, “Phải lấy tự học làm cốt”. Bởi vậy, xây dựng ý thức, năng lực tự học và học suốt đời không chỉ là các tiêu chí mà Hội Khuyến học Việt Nam nêu ra để đánh giá, công nhận đối với danh hiệu Công dân học tập, mà đó còn là phương châm sống đối với tất cả người Việt Nam. Tự học không những giúp học sinh nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phong-trao-tu-hoc-trong-cac-truong-hoc-post376115.html