Phòng trọ của những người lao động miền Tây
Khu nhà trọ với hơn 100 phòng sát nhau, những câu chuyện bỏ phố về quê và chuyến bay đầu tiên giữa Hà Nội với TP.HCM là những hình ảnh gây chú ý tuần qua trên Zing.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ
Khu nhà trọ với hơn 100 phòng san sát nhau. Lối vào tối om, phía trên đầy quần áo, không có chỗ hở nào cho ánh sáng mặt trời len vào. Ban ngày cũng như ban đêm, trong nhà phải mở điện để thắp sáng. Hình ảnh nơi ở của những người rời TP.HCM về quê sau khi chính quyền nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ
Hơn 2h sáng, tiếng còi hú của xe CSGT vang lên. Đại gia đình Soc Ny, Rinh Đa, Kim Sach hòa vào dòng người đồng hương. Quãng đường về nhà chỉ còn vài giờ đồng hồ. Hình ảnh đại gia đình 8 người gồm trẻ sơ sinh và bà bầu dắt díu nhau chạy xe máy từ Đồng Nai về quê với quãng đường hơn 300 km trong mưa và gió lạnh. Ảnh: Duy Hiệu.
HÀNH KHÁCH NHỎ TUỔI TRÊN CHUYẾN BAY TỪ TP.HCM VỀ HÀ NỘI
Chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội của Vietnam Airlines cất cánh lúc 14h40 ngày 15/10 có một số trẻ nhỏ. Nhiều hành khách không khỏi thắc mắc bởi theo quy định của Bộ GTVT, các trường hợp được bay phải là người đã tiêm hai mũi vaccine phòng dịch Covid-19. Zing liên hệ với đại diện hãng và nhận được thông tin đây là các bé F0 đã khỏi bệnh. Ảnh: Khánh Huyền.
NHIỀU NGƯỜI TP.HCM ĐƯỢC BAY VỀ NHÀ SAU VÀI THÁNG KẸT LẠI HÀ NỘI
Chuyến bay từ Hà Nội tới TP.HCM cất cánh cùng 168 hành khách lúc 14h30 ngày 10/10. Đây là những người đầu tiên được trở về nhà sau vài tháng bị kẹt ở thủ đô vì hàng không ngừng hoạt động. Ảnh: Việt Linh.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ
Giữa cơn mưa nặng hạt trên quốc lộ 1, cả đoàn dừng lại dưới một mái hiên. Người phụ nữ trẻ cởi vội chiếc áo mưa, ngồi xổm xuống dỗ đứa con mới hơn 2 tháng tuổi. Đứa trẻ khóc lớn rồi trớ ra toàn sữa. Đây là lần thứ 5 cả đoàn dừng lại để dỗ những đứa trẻ sau nhiều giờ di chuyển bằng xe máy. Phía trước họ là hành trình hàng trăm cây số để về quê. Ảnh: Duy Hiệu.
NGÀY CHƯA ĐẾN TRƯỜNG CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ THEO BỐ MẸ VỀ QUÊ
Theo bố mẹ rời nội thành về vùng ven thuộc huyện Quốc Oai ( Hà Nội) sinh sống, hơn nửa năm là quãng thời gian đủ để thế giới của hai cậu bé thay đổi hoàn toàn. Gấu (8 tuổi) bảo cậu sắp biến thành "người rừng" vì ngày nào cũng lên đồi, đi suối. Chiều chiều, những đứa trẻ được tự do nô đùa, chơi thể thao trên sân bóng với cỏ xanh rì cùng một không gian thoáng đãng. Ảnh: Thạch Thảo.
BÌNH DƯƠNG ĐỐI MẶT VỚI LÀN SÓNG LAO ĐỘNG HỒI HƯƠNG
Một khu nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông được thiết kế thành hơn 1.000 phòng dã chiến. Mỗi phòng chỉ khoảng 3,5 m2, được ngăn cách với nhau bằng những tấm gỗ. Trong điều kiện dịch bệnh, việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho hơn 1.000 công nhân trong nhà xưởng là áp lực lớn. Chưa kể những vấn đề phát sinh liên quan khác. Việc thực hiện “3 tại chỗ” được xem là giải pháp tình thế, gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Ngôn.
NGƯỜI DÂN HÀ NỘI ĐỔ RA CÔNG VIÊN TẬP THỂ DỤC
Bà Lợi (quận Cầu Giấy) tận dụng ghế đá để làm nơi tập thể dục sau nhiều tháng ở nhà. Các công viên tại Hà Nội đồng loạt mở trở lại sáng 14/10. Nhiều người không ngại mưa gió, có mặt từ sớm để luyện tập sau những ngày ở nhà phòng dịch. Ảnh: Thế Bằng.
NGÀY CHƯA ĐẾN TRƯỜNG CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ THEO BỐ MẸ VỀ QUÊ
Theo bố mẹ rời thành phố về vùng ven đô sinh sống, những đứa trẻ gốc Hà Nội như Ong, Bin, Gấu... có thêm kỳ nghỉ dài khi dịch Covid-19 bùng phát. Không đến trường, chúng cùng nhau khám phá thiên nhiên, rừng núi. Ảnh: Thạch Thảo.
BÌNH DƯƠNG ĐỐI MẶT VỚI LÀN SÓNG LAO ĐỘNG HỒI HƯƠNG
Khoảng 30 phút, toàn bộ 123 công nhân được lấy mẫu xong. Những người có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính trở lại nơi làm việc ngay sau đó. Để rút ngắn thời gian xét nghiệm, trạm đã bố trí hai bàn lấy mẫu, thay vì chỉ một bàn như trước đây. Ảnh: Phạm Ngôn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-tro-cua-nhung-nguoi-lao-dong-mien-tay-post1271202.html