Phòng, trừ sâu bệnh gây hại lúa, rau màu
* Hiện nay, trên một số diện tích lúa mùa, ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại cục bộ, chủ yếu ở những khu vực ruộng trũng, gần kênh mương tưới, tiêu; mật độ nơi cao 0,5 - 2 con/m2, cá biệt có ruộng 3 - 5 con/m2; diện tích nhiễm ốc bươu vàng hơn 207ha. Bệnh nghẹt rễ xuất hiện cục bộ ở một số ruộng cạn nước, ruộng bị ngộ độc hữu cơ, tỷ lệ hại nơi cao 3 - 5% số dảnh; diện tích nhiễm 10ha. Chuột gây hại nhẹ, cục bộ ở những ruộng ven làng, gần gò đống, kênh mương; tỷ lệ hại nơi cao 1 - 3% số dảnh. Nông dân cần chủ động phòng, trừ ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công hoặc sử dụng các thuốc trừ ốc (nơi có mật độ cao). Xử lý bệnh nghẹt rễ ở những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, chân ruộng chua bằng biện pháp bón vôi bột, phun thuốc kích rễ để cây lúa phát triển kịp thời.
* Đến ngày 28.7, nông dân trong tỉnh gieo trồng được hơn 3,5 nghìn ha rau màu vụ hè - thu. Hiện nay, bệnh lở cổ rễ xuất hiện và gây hại cục bộ, chủ yếu ở giai đoạn mới trồng, phát triển sinh khối, trên những chân ruộng trũng, đặc biệt ở những ruộng thoát nước kém sau mưa. Sâu khoang, sâu xanh, ruồi đục lá gây hại nhẹ, rải rác trên các loại rau ăn lá; sâu đục quả đậu đỗ gây hại nhẹ, rải rác. Để rau màu vụ hè – thu đạt năng suất, hiệu quả, nông dân cần chủ động tạo rãnh thoát nước, tránh bị ngập úng sau mưa. Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh trên rau màu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ ủ mục với vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học; ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm Nano bạc, Nano đồng để phòng, trừ sâu bệnh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202208/phong-tru-sau-benh-gay-hai-lua-rau-mau-2f62c9c/