Phòng trừ sâu bệnh lúc chuyển mùa

Lúc chuyển mùa là thời điểm thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, gây hại trên các loại cây trồng. Đến ngày (9/9), trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500ha cây cao su, cây ăn quả, sắn... các loại bị sâu bệnh gây hại.

 Xử lý bệnh loét sọc miệng cạo

Xử lý bệnh loét sọc miệng cạo

Ông Nguyễn Ha ở xã Hương Phú (Nam Đông) bảo, cứ đến thời điểm giao mùa là cây cao su lại xuất hiện một số bệnh gây hại. Các hộ trồng loại cây này đã triển khai nhiều biện pháp phun thuốc phòng trừ nhưng không triệt để, bệnh cứ tái phát. Diện tích hơn 3ha cao su của ông Ha cũng đang bị bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo và rụng lá gây hại.

Theo ông Ha, các loại bệnh loét sọc miệng cạo, xì mủ, rụng lá Corynespore… thường xảy ra quanh năm trên cây cao su. Nhưng các loại bệnh này thường gây hại nặng, phát tán trên diện rộng vào thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp. Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, địa phương, ông Ha đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, phun thuốc phòng trừ bệnh để bảo vệ cây trồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, ông Nguyễn Hữu Ánh thông tin, tính đến ngày 9/9, trên địa bàn huyện Nam Đông có nhiều diện tích bị các loại bệnh với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600ha cao su bị nhiễm các loại bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo, bệnh rụng lá Corynespore. Các diện tích bị sâu bệnh tập trung tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và TX. Hương Trà. Riêng tại Hương Trà có khoảng 50ha cao su bị bệnh rụng lá Corynespore. Nhiều diện tích đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại cục bộ với tỷ lệ thấp, như đốm lá, nấm hồng, thán thư…

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, không riêng cao su mà nhiều loại cây trồng, cây ăn quả như bưởi, thanh trà, cam… cũng đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Trong đó, phổ biến là bệnh chảy gôm với diện tích gần 200ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, có một số nơi cao đến 20-30%. Nhiều loại sâu bệnh khác như câu cấu, đục thân, muội đen, vàng lá greening… gây hại cục bộ, tỷ lệ thấp. Số diện tích cây ăn quả bị sâu bệnh tập trung ở các xã Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân, Hương Bình (TX. Hương Trà), Thủy Biều (TP. Huế).

Diện tích cây sắn bị bệnh khảm lá gần 600ha, tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng nguy cơ có thể lây lan trong thời gian đến do ảnh hưởng của thời tiết thất thường. Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn dao động từ 10-30%, với diện tích 335ha, 30-50% gần 200ha, diện tích còn lại bị nhiễm với tỷ lệ cao đến 70%. Diện tích sắn bị sâu bệnh chủ yếu tập trung ở các thôn, xã: Tây Xuân, Văn Xá Tây… (TX. Hương Trà), Đông Sơn, Đại Thành (Phú Lộc), Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền... (Phong Điền).

Dự báo thời gian đến, các đối tượng sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh trên cây sắn như rệp sáp, bọ phấn... Trên cao su, các loại bệnh tiếp tục gây hại và có khả năng lây lan như xì mủ, loét sọc miệng cạo. Các loại bệnh đục cành, sâu đục thân, rệp sáp, vẽ bùa, bệnh chảy gôm… trên cây cao su và cây ăn quả tiếp tục phát sinh gây hại.

Theo ông Hồ Đính, để hạn chế và xử lý sâu bệnh một cách hiệu quả, người dân cần tiếp tục theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, nguy cơ lây lan diện rộng thì báo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Trên cao su, cần chú ý kiểm tra và xử lý bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ, không để lây lan trên diện rộng.

Đối với cây ăn quả, người dân cần tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón nhằm giúp cây sinh trưởng và phát triển mạnh, có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, đặc biệt lưu ý phòng trừ bệnh chảy gôm. Trên cây sắn, bà con chú ý bệnh khảm lá sắn, bọ phấn trắng là loài trung gian truyền bệnh khảm lá sắn nhằm có biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, người dân tranh thủ thu hoạch các diện tích đến kỳ thu hoạch và có biện pháp bảo vệ an toàn cho cây trồng trong mùa bão, lũ.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phong-tru-sau-benh-luc-chuyen-mua-145800.html