Phong tục độc đáo ở nơi cứ đến Tết là đàn ông quét nhà
Khi hương sắc mùa xuân ngập tràn cũng là lúc hoa tớ dày đua nhau khoe sắc báo hiệu một mùa xuân mới trên bản người Mông. Với truyền thống văn hóa đặc trưng, phong tục Tết của đồng bào dân tộc Mông cũng có những nét độc đáo rất riêng.
Tết đàn ông quét nhà, đàn bà may vá
Thời điểm người Mông đón tết cũng là lúc mọi việc đồng áng đều đã xong, khi ngô lúa đều đã được thu hoạch về nhà, và một trong những nghi lễ đặc biệt quan trọng của người Mông trong ngày tết đó là nghi lễ truyền thống dọn nhà, xua đuổi tà ma, vía dữ.
Vào ngày 30 tết, những người đàn ông trong gia đình người Mông tại bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải phải dậy thật sớm để lên rừng kiếm cây tre về để quét nhà.
Họ vừa làm, vừa nói những câu thần chú với ước muốn xua đuổi những điều xấu trong năm cũ và đón những điều tốt đẹp đến vào năm mới.
Anh Sùng A Sinh, bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vui mừng nói.
"Gần đến tết, phong tục người Mông là bắt buộc phải lấy cây tre để quét nhà, quét cửa để đón một cái tết khang trang và hạnh phúc. Những cái gì không may mắn của năm cũ đều sẽ qua đi và đón một năm mới vui vẻ, suôn sẻ và đầm ấm với cả gia đình".
Những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu vẫn là nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.
Với phụ nữ Mông, không phải cứ đến gần Tết họ mới thêu, may quần áo, mà quá trình đó diễn ra trong cả năm. Bởi theo quan niệm của đồng bào Mông thì việc may vá, thêu thùa cũng chính là thước đo đánh giá sự siêng năng, chăm chỉ của người phụ nữ.
Với người Mông, trang phục mặc ngày tết về cơ bản không khác với trang phục ngày thường, nhưng trong dịp quan trọng, bà con sẽ chọn những bộ váy, áo mới được may tỉ mỉ.
Mặc trang phục mới trong ngày tết cũng mang ý nghĩa chào đón điều mới, may mắn, vậy nên những người phụ nữ Mông như chị Mùa Thị Phua ở xã Lao Chải những ngày này cũng đang gấp rút để hoàn thiện cho mình một bộ trang phục truyền thống mặc vào dịp tết.
Chị Mùa Thị Phua, Bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chia sẻ:"Tôi đang hoàn thiện nốt bộ quần áo mới để Tết có thể mặc đi du Xuân.
Với người phụ nữ vùng cao được tự tay may những bộ quần áo mới cho bản thân và gia đình thì cảm thấy rất vui, có quần áo mới để đón một năm mới thật vui vẻ và hạnh phúc".
Trong khi những người phụ nữ may vá, thêu thùa, thì những người đàn ông lại có nhiệm vụ thực hiện nghi thức cắt giấy.
Giấy được cắt theo hình răng cưa được dán bên trong ngôi nhà với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu. Giấy cũng được dán ở những công cụ lao động để thể hiện sự biết ơn của người Mông với những công cụ đã giúp đỡ họ.
Gìn giữ nét văn hóa độc đáo
Người Mông có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, được thể hiện qua các phong tục tập quán, quan niệm về trời đất, con người và vạn vật.
Vào mỗi dịp tết, bà con người Mông thường xuống phố huyện để tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc, các trò chơi dân gian như: Thi giã bánh dày, thi khèn Mông, tung còn, ném pao, hay đơn giản chỉ là mặc một bộ quần áo đẹp nhất, hòa cùng vào không khí của ngày Xuân nơi vùng cao.
Họ xuống phố huyện để cảm nhận về những đổi thay trong cuộc sống, về giá trị của ngày Tết Nguyên đán và cùng nhắc nhở nhau luôn trân trọng và giữ gìn những phong tục của đồng bào dân tộc mình.
Với trên 90% đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn, trong những năm trở lại đây, để tạo khối đoàn kết cộng đồng, huyện Mù Cang Chải đã đặc biệt chú trọng đến công tác phục dựng các lễ hội truyền thống, nhằm giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của người Mông.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tái hiện lại các trò chơi truyền thống nhằm góp phần tạo sân chơi lành mạnh, qua đó có cơ hội quảng bá, giới thiệu những nét đẹp truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào người Mông.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các lễ hội xuân. Giao cho các địa phương tổ chức ở các cụm bản, cụm xã, thị trấn chuẩn bị các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, lễ hội gầu tào, thi trang phục đẹp... nhằm tạo những sân chơi cho con em đồng bào người Mông và giữ gìn bản sắc văn hóa".
Tết là dịp để bà con đồng bào vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát, tiếng khèn như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết đồng bào khắp thôn, bản.
Đây cũng là lúc để mọi người tụ họp, quây quần bên gia đình, bày tỏ lòng thành với tổ tiên, mong muốn một năm mới may mắn, hạnh phúc.
Bởi vậy mọi hoạt động chuẩn bị đều góp phần làm cho ngày tết của mỗi gia đình người Mông nơi đây trở nên ấm cúng và thiêng liêng hơn, cũng là điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.