Phong tục đón Tết âm lịch tại một số nước châu Á
Tết âm lịch, hay lễ kỉ niệm năm mới theo lịch mặt trăng, là lễ hội lớn nhất trong năm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á khác. Mặc dù diễn ra vào cùng một thời điểm với cùng một mục đích, các quốc gia khác nhau có những tên gọi và phong tục riêng cho dịp lễ hội này. Và sự độc đáo trong truyền thống đón mừng năm mới của người dân Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ khá rõ nét…
Tết Nguyên đán ở Trung Quốc: Cuộc “trở về” lớn nhất thế giới
Với người Trung Quốc, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm để trở về nhà và cùng với gia đình của mình tưởng nhớ ông bà, tổ tiên cũng như chia sẻ những chuyện buồn vui trong một năm đã qua.
Có nhiều truyền thuyết gắn liền với nguồn gốc ngày Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Trong số đó, truyền thuyết phổ biến nhất được bắt nguồn với câu chuyện về một con quái vật tên là Niên (Nian). Niên là một con quái thú với thân hình giống với sư tử, đầu có sừng dài và hết sức hung dữ. Con Niên sống quanh năm suốt tháng dưới đấy biển sâu. Tuy vậy, cứ đến đêm giao thừa theo âm lịch, nó lại xuất hiện để phá hoại mùa màng, ăn thịt gia súc và làm hại con người.
Một ngày nọ, một ông lão xuất hiện, khuyên người dân đi trốn để một mình ở lại đối phó với con Niên. Ban đầu, mọi người không tin và chỉ coi ông lão như một ông già lẩm cẩm. Nhưng vì quá sợ hãi, họ đã nghe lời ông và trốn vào một hang động gần làng. Đêm đó, ông lão đã dán giấy màu đỏ và đốt pháo khắp làng. Sáng hôm sau, khi mọi người quay lại thì ông lão vẫn bình yên vô sự và con Niên từ đó cũng không quay lại phá phách nữa.
Tết Nguyên đán từ đó ra đời như là một đợt kỷ niệm về chiến thắng của con người trước loài quái vật hung bạo. Người dân Trung Quốc cũng tương truyền rằng ông lão đã giúp họ chính là hiện thân của Hồng Quân Lão Tổ, vị Tiên có pháp lực và đạo hạnh cao nhất trong Đạo Giáo. Con Niên, vì quá sợ màu đỏ và tiếng pháo nổ, đã bị Hồng Quân Lão Tổ thu phục và trở thành thú cưỡi cho ông.
Cũng giống như Tết ở Việt Nam, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người dân Trung Quốc thường quét sạch và dọn dẹp nhà cửa để rũ đi những điều không may của năm trước. Câu đối đỏ, giấy dán tường và đèn lồng màu đỏ cũng được treo khắp nơi để ngăn ngừa những loài quái vật như con Niên quay trở lại. Pháo nổ và pháo hoa cũng được người dân Trung Quốc đốt trong dịp này như một cách để xua đuổi tà ma. Ngoài ra, người Trung Quốc còn tổ chức múa lân trong dịp lễ Nguyên đán như để kỷ niệm việc Hồng Quân Lão Tổ thu phục con Niên.
Bữa ăn tối giao thừa là bữa ăn quan trọng nhất của người Trung Quốc, khi cả gia đình cùng nhau quây quần sau một năm dài bận rộn. Là một đát nước rộng lớn và đông dân, ẩm thực trong đợt Tết Nguyên đán ở Trung Quốc cũng rất đa dạng và phong phú. Tuy vậy, các món ăn đều có ý nghĩa riêng của chúng. Ví dụ như mỳ trường thọ tượng trưng cho lời chúc thượng thọ của con cháu với ông bà, bố mẹ, hay bánh trôi tàu ẩn chứa hàm ý về sự đoàn tụ. Vào những ngày đầu năm mới, mọi người sẽ trao nhau những lời chúc tốt đẹp. Người già và trẻ con cũng sẽ nhận được phong bao lì xì đỏ như một lời chúc may mắn đầu năm mới.
Vì ý nghĩa quan trọng của Tết Nguyên đán, người dân Trung Quốc nào cũng muốn trở về đoàn tụ với gia đình trong dịp này. Chính vì vậy, những người đang làm ăn xa nhà sẽ tìm mọi cách để sở hữu một tấm vé trở về trước khi bữa cơm tối giao thừa diễn ra. Điều này góp phần tạo nên Xuân Vận, cuộc di dân hàng năm lớn nhất thế giới. Cuộc di dân này thường kéo dài 40 ngày tính cả trước và sau Tết với số lượng người được vận chuyển lên đến hàng tỷ người.
Tết Seollal ở Hàn Quốc: Khá tốn kém và cầu kì
Ở Hàn Quốc, Tết âm lịch còn được gọi với cái tên Seollal và nó là dịp lễ hội quan trọng nhất theo truyền thống của người dân xứ sở kim chi. Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, sự đoàn tụ gia đình đóng một vai trò trung tâm trong Tết Seollal của người Hàn Quốc. Trong ba ngày chính của Tết Seollal, người dân Hàn Quốc sẽ dành phần lớn thời gian của mình để trở về sum họp với gia đình, gặp gỡ bạn bè và cùng nhau thưởng thức những món ăn và chơi những trò chơi truyền thống.
Vào đêm giao thừa, người dân Hàn Quốc thường đốt các thanh tre nhằm xua đuổi tà ma. Những chiếc xẻng hứng lộc được bện bằng rơm cũng được treo ngoài cửa để đón tài lộc vào nhà. Vì là lễ hội quan trọng nhất trong năm, người dân Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống hanbok vào dịp Tết Seollal. Vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, người dân xứ sở kim chi sẽ thực hiện một nghi lễ truyền thống được gọi là sabae. Trong nghi lễ sabae, người Hàn Quốc sẽ mặc hanbok và cúi lạy ông bà, cha mẹ nhằm chứng tỏ sự kính trọng sâu sắc của mình dành cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Người dân Hàn Quốc khá cầu kỳ trong việc ăn uống trong năm mới. Theo phong tục truyền thống, mâm cơm đầu năm của một gia đình Hàn Quốc sẽ bao gồm khoảng 20 món, được chia thành 5 hàng. Trong những món ăn đấy, nổi tiếng nhất có lẽ là món bánh gạo Tteokguk. Với người Hàn Quốc, bánh gạo Tteokguk không chỉ là một món ăn mà còn được coi như là một công cụ tính tuổi. Khi một người ăn bát bánh gạo của mình, nó có nghĩa là người đó đã già thêm một tuổi.
Ngoài việc ăn uống, Tết Seollal cũng là dịp để người dân Hàn Quốc chơi những trò chơi truyền thống như yutnori (một trò chơi chiến thuật truyền thống sử dụng thẻ tre, quân cờ và một tấm vải in làm mặt bàn), gongginolie (giống trò ô ăn quan ở Việt Nam), yeonnalligi (thả một con diều đặc biệt hình chữ nhật), hay jegi chagi (đá cầu). Nhiều gia đình cũng chọn đón Tết Seollal bằng cách lái xe đến các bờ biển phía đông, nơi họ có thể đón những tia nắng đầu tiên của năm mới.
Ngay từ trước Tết, người Hàn đã mua rất nhiều quà tặng để gửi đến gia đình và người thân của mình. Quà tặng trong dịp lễ này rất đa dạng và đắt tiền, có thể bao gồm thức ăn, hoa quả, nhân sâm hay mật ong. Việc chuẩn bị nhiều đồ ăn truyền thống một cách cầu kì cho tất cả thành viên trong gia đình và bạn bè đến thăm cũng góp phần làm cho việc chuẩn bị đón năm mới của người Hàn Quốc trở nên rất tốn kém. Chính vì sự tốn kém đó, nhiều thủ tục truyền thống đã và đang dần bị người Hàn bỏ qua trong dịp lễ Seollal.
Tết Trăng Trắng ở Mông Cổ: Mặc trang phục truyền thống suốt Tết
Không chỉ ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, người dân Mông Cổ cũng có lễ hội để chào mừng năm mới âm lịch của riêng mình. Được tổ chức trong ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, lễ Tsagaan Sar, hay Tết Trăng Trắng, là một trong những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn.
Ban đầu, Tết Tsagaan Sar không phải là một ngày lễ chính thức trong phong tục của người Mông Cổ. Tuy vậy, trong quá trình giao lưu văn hóa, người Mông Cổ đã tiếp thu nét đẹp truyền thống này từ người Hán và người Duy Ngô Nhĩ. Khoảng thời gian người Mông Cổ chiếm đóng và trị vì Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên càng củng cố thêm vị thế của tết âm lịch trong văn hóa của họ.
Vào trước đêm giao thừa, người Mông Cổ sẽ vệ sinh quanh nhà hoặc khu lều trại của mình. Gia súc cũng sẽ được dọn dẹp chuồng và tắm rửa sạch sẽ. Trong đêm giao thừa, họ sẽ có hoạt động thắp nến như một biểu tượng về sự giác ngộ luân hồi của chúng sinh. Ba viên đá lạnh cũng sẽ được đặt bên ngoài cửa nhà để làm đồ uống cho con ngựa của Cát Tường Thiên Mẫu, vị thần được cho là sẽ viếng thăm nhà của người Mông Cổ vào đêm giao thừa. Trà và sữa cũng được rải ra quanh nhà như một cách chào mừng Cát Tường Thiên Mẫu.
Vào ngày đầu năm, người Mông Cổ thường quây quần tại nhà của người lớn tuổi nhất trong đại gia đình. Con cháu sẽ dùng khuỷu tay của mình để ghì chặt lấy ông bà, cha mẹ để thực hiện lời chúc mừng năm mới và sức khỏe. Trang phục truyền thống sẽ được người Mông Cổ diện trong suốt Tết Trăng Trắng. Đặc biệt, họ sẽ quàng một dải lụa dài như một biểu tượng của sự trường thọ và may mắn.
Món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Mông Cổ khá đa dạng và mang đậm chất du mục. Với hy vọng cả năm mới sẽ no đủ, rất nhiều loại thịt sẽ được chuẩn bị trong bữa tiệc đầu năm như thịt cừu, bò hay ngựa. Người Mông Cổ cũng có phong tục ăn đuôi cừu nướng với cơm nấu với nho khô và sữa đông trong Tết Trăng Trắng. Đặc biệt, bữa ăn đầu năm mới của người Mông Cổ không thể thiếu bánh bột hấp (buuz) được xếp chồng lên nhau tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Sumeru và sữa ngựa lên men (airag).