'Phòng tuyến 3 lớp' chặn ma túy ở xứ Thanh: Phòng chắc bên ngoài, 'đánh mạnh' bên trong
Thanh Hóa là địa phương có hàng trăm đường mòn, tiểu ngạch giáp biên nên Công an tỉnh Thanh Hóa xác định phải giữ vững bên ngoài, đấu tranh mạnh ma túy bên trong bằng 'nguyên lý 3 lớp'. Nguyên lý này đã trở thành giáo trình giảng dạy ở Học viện Cảnh sát nhân dân để các học viên nắm rõ nghiệp vụ.
Ngăn ma túy từ biên giới
5 huyện biên giới gồm Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân của Thanh Hóa giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào) gồm nhiều đường mòn lối mở nên các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển trái phép chất ma túy thẩm lậu qua biên giới vào nội địa Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Đây là tuyến chịu áp lực trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy của khu vực “Tam giác vàng” vào nội địa.
Chính vì vậy, các đối tượng thường chia làm nhiều cung đoạn, nhiều quãng thời gian, thường xuyên thay đổi lộ trình trong khi vận chuyển trái phép chất ma túy; cất giấu ma túy, ngụy trang trong các thùng đựng nông sản để vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, đồng thời phân công, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia.
Để giữ vững vùng biên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức điều tra cơ bản, xác định các điểm, tụ điểm về ma túy của Lào và các đối tượng chuyên cung cấp ma túy cho các đối tượng phía Việt Nam. Trên cơ sở đó, thường xuyên trao đổi thông tin cho phía Lào để phát hiện sớm, hỗ trợ Lào để tác chiến từ xa và nắm thông tin các hoạt động, âm mưu phương thức của các đối tượng có ý định hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị vận chuyển ma túy sang biên giới để phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào ngăn chặn, bắt giữ; hỗ trợ lực lượng của Lào trong việc tuyên truyền vận động người dân để xóa bỏ trồng cây có chất ma túy…
Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, xác định quan điểm lấy phòng ngừa làm cơ bản, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm ma túy; kiên quyết không để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển lớn các chất ma túy, các điểm nóng, vùng trắng về ma túy trên địa bàn; ngăn chặn từ xa, hạn chế đến thấp nhất lượng ma túy thẩm lậu qua biên giới, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp chặn “cung”, giảm “cầu”, trong những năm qua, tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn được giảm thiểu đáng kể, không có vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng đặc biệt lớn qua tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn. Các vụ án do Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, thu giữ có số lượng lớn ma túy chủ yếu do các đối tượng vận chuyển ma túy theo tuyến Nam - Bắc qua quốc lộ 1A hoặc từ địa phương khác vận chuyển qua Thanh Hóa.
Đại tá Khương Duy Oanh, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT là một trong những tác giả của “phòng tuyến 3 lớp” cho biết: Lớp thứ nhất là lớp tiền biên, tức là phía trước biên giới bao gồm các bản, cụm bản của nước bạn; lớp thứ 2 gồm 16 xã, 49 bản thuộc các huyện biên giới; lớp thứ 3 bao gồm các xã trong nội địa, tiếp giáp với lớp thứ 2. Trong đó, lớp thứ 2 là lớp giữa là lớp cốt tử nhất, có trách nhiệm quản lý nhà nước.
Biên giới do lực lượng Biên phòng quản lý, cơ quan Công an phối hợp với Biên phòng để xác định các thông tin cơ bản từ lớp tiền biên để triển khai các phương án ngăn chặn, khóa chặt, kiểm soát các đường ngang, ngõ tắt, lối mở, đường mòn qua lại biên giới. Phối hợp với Hải quan để kiểm soát chặt biên giới. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, lập án đấu tranh với các đối tượng, đường dây, ổ nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới. Lớp này có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là công tác phối hợp giữa Công an với Biên phòng; phát huy vai trò của Công an xã tăng cường xuống cơ sở.
Lớp thứ 3 có nhiệm vụ thu thập tài liệu, nắm đối tượng, nắm địa bàn để đấu tranh; tăng cường kiểm tra hành chính, phương tiện, con người, đối tượng; triển khai các biện pháp vận động quần chúng, phòng ngừa tội phạm ma túy; triệt xóa các tổ chức sử dụng trái phép ma túy.
Đồng lòng giữ vững địa bàn
Theo quy định của Công an tỉnh Thanh Hóa, các chiến sĩ trẻ mới ra trường bắt buộc phải đi cơ sở, không được về các phòng nghiệp vụ tại Công an tỉnh. Chỉ riêng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy được ưu tiên tuyển cán bộ mới ra trường nếu cán bộ đó có nguyện vọng ở lại Phòng. Đây cũng là sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh đối với đơn vị khó khăn, gian khổ này. Dù vậy, nhưng đơn vị vẫn luôn thiếu cán bộ bởi ở đơn vị công việc vất vả, nguy hiểm lại khó khăn.
Gắn bó với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa từ những ngày mới thành lập, tôi hiểu rất rõ tình cảm của lãnh đạo Công an tỉnh dành cho đơn vị và sự thương yêu, đùm bọc của lãnh đạo đơn vị đối với thuộc cấp của mình. Nhớ lại vụ tiêu diệt trùm ma túy Thao Văn Sung ở bản Pá Hộc, huyện Mường Lát – “ông trùm” ma túy với nhiều súng và lựu đạn. Các tổ công tác đều do các đồng chí lãnh đạo phòng trực tiếp vào tận hang ổ đối tượng, Đại tá Trần Minh Thông, lúc đó là Trưởng phòng tổng chỉ huy, chỉ đạo các mũi tấn công để bắt giữ đối tượng. Đối tượng Thao Văn Sung quá manh động, nhiều lần ném lựu đạn vào tổ công tác buộc các trinh sát phải nổ súng tiêu diệt, đảm bảo bình yên trên địa bàn.
Mới đây nhất là vụ bắt Nguyễn Hồng Khánh (Khánh đam), trú ở Bỉm Sơn. Sau khi bắt các đối tượng ở Thanh Hóa, nhiệm vụ của Ban Chuyên án là phải “cắt” nốt “đầu nậu” ma túy của Khánh ở Đà Nẵng là Phạm Thái Phước và Lê Nhật Hoàng. Trực tiếp Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng làm tổ trưởng tổ công tác đã nhanh chóng vào Đà Nẵng bắt đối tượng. Đến nơi, dù chưa kịp ăn cơm nhưng phát hiện 2 đối tượng đang ở một khách sạn hạng sang, tổ công tác đề nghị Công an Đà Nẵng phối hợp. Sau 1 ngày 1 đêm nắm tình hình, tính toán phương án đấu tranh, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng Hoàng khi hắn vừa xuống sảnh tầng 1. Riêng đối tượng Phước phát hiện “có biến” nên cố thủ trên tầng 25.
“Lúc đó, có “quyết” bắt Phước hay không, việc bắt giữ Phước thế nào để đảm bảo an toàn thật sự rất “cân não” bởi các đối tượng ma túy thường biết rõ kết cục của mình nếu bị bắt. Giây phút quan trọng đó, Thượng tá Lê Khắc Minh đã quyết định cùng đồng đội tấn công với tốc độ nhanh nhất, không để đối tượng trở tay, chống trả hay tự sát. Quyết định của Thượng tá Lê Khắc Minh hoàn toàn đúng bởi chỉ mấy giây sau khi phá cửa ập vào trong, đối tượng Phạm Thái Phước đã sẵn sàng chuyến đi cuối cùng cho mình.
Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết, mỗi khi đánh án, lãnh đạo Phòng phải là những người đi tiên phong, trực tiếp có mặt tại hiện trường để đưa ra các quyết định, để anh em vững tin làm nhiệm vụ. Cũng vì thế, mỗi khi lên đường, anh em phải dựa vào nhau để chiến đấu, để vượt qua những khó khăn. Có những chuyên án, từ chỉ huy đến cán bộ đều phải đi cả tháng, dầm mưa dãi nắng bám địa bàn. “Có đồng chí đi làm nhiều quá vợ nhắn tin cả một màn hình dài mà không dám đọc vì không biết trả lời ra sao. Vì đấu tranh chuyên án, sau giai đoạn trinh sát đến bắt giữ, phân loại, đấu tranh, mở rộng, rồi lại chuyên án khác nối nhau. Vì thế, vợ con cũng đành thông cảm” – Thượng tá Lê Khắc Minh chia sẻ.
Chính nhờ sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh nên CBCS Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng phương châm “giữ vững bên ngoài, đánh mạnh bên trong” chặn đứng các hoạt động mua bán ma túy.