Phỏng vấn Cô Tấm
Cô Tấm: Là rất thực mà cũng rất ảo. Ví dụ như ai cũng biết Tấm, Cám. Nhưng cũng chưa ai gặp họ trong đời.
Phỏng vấn: Thưa cô, cô là người Sài Gòn hay người Hà Nội?
Cô Tấm: Thật ra tôi là người của truyện cổ tích chứ chả thuộc vùng miền nào.
PV: Ừ nhỉ. Mà cổ tích là gì hả cô?
Cô Tấm: Là rất thực mà cũng rất ảo. Ví dụ như ai cũng biết Tấm, Cám. Nhưng cũng chưa ai gặp họ trong đời.
PV: Trên thực tế, những chuyện cổ tích có bao giờ thực không cô?
Cô Tấm: Có chứ. Nhưng tiếc thay chưa chắc đã vui.
PV: Thế ư? Cô thử ví dụ xem nào?
Cô Tấm: Ví dụ như toàn thể bà con đều biết chợ Bến Thành tượng trưng cho Sài Gòn. Nhưng ôi thôi hóa ra không phải.
PV: Cô nói gì lạ vậy. Chợ Bến Thành không phải của dân Sài Gòn thì của ai.
Cô Tấm: Của Tây!
PV: Tây?
Cô Tấm: Ừ. Đã rất nhiều năm nay rồi, dân Sài Gòn đích thực, dân Sài Gòn hiểu biết, dân Sài Gòn thông minh không đi chợ Bến Thành nữa.
PV: Tại sao?
Cô Tấm: Tại vì ở đó có 2 thứ nổi bật: Nói thách và thái độ khinh khỉnh.
PV: Nói thách như thế nào?
Cô Tấm: Như một căn bệnh trầm kha. Một món đồ 20 ngàn có thể nâng lên đến cả trăm ngàn đồng. Thành ra, ở đây người ta có câu châm ngôn "Trả giá nào cũng dính".
PV: Khiếp thật.
Cô Tấm: Nạn nói thách đã tới mức dân Sài Gòn thông minh đều biết và không tới đây nữa là xong. Tiếp theo là thái độ. Nếu bạn không phải dân Châu Âu, dân Nhật Bản hay dân Hàn Quốc, bạn chả được hoan nghênh.
PV: Dân các quốc gia đó ngốc ư?
Cô Tấm: Tất nhiên không hề ngốc. Nhưng rất nhiều người tới Sài Gòn một lần rồi thôi. Rất nhiều người được các hướng dẫn viên du lịch có ăn hoa hồng lôi kéo và rất nhiều người biết sự đắt đỏ ở đây, nhưng coi như đây là một chi phí phải chấp nhận để hiểu biết.
PV: À.
Cô Tấm: Đã từ lâu, nói tới chợ Bến Thành, dân Sài Gòn chính cống luôn kèm theo một nụ cười mỉa mai. Các tiểu thương trong chợ đều biết thế, nhưng mặc kệ vì họ quá tin tưởng vào…Tây.
PV: Họ sống trong cổ tích giữa đời thường.
Cô Tấm: Đúng thế. Nhưng câu chuyện cổ tích nào cũng có lúc kết thúc. Đã thế kết thúc bất thình lình.
PV: Bất thình lình như thế nào?
Cô Tấm: Như dịch COVID-19. Đột nhiên đùng một cái, không hề báo trước, cả Tây cả Tàu, cả Nhật Bản, cả Hàn Quốc đều không đi du lịch nữa, không tới chợ Bến Thành nữa.
PV: Ái chà.
Cô Tấm: Cái chợ kiêu kỳ đó choáng váng. Như tất cả chúng ta. Nhưng có khác khi nạn dịch gần kết thúc ở Việt Nam, khi các chợ khác được phục hồi thì chợ Bến Thành không trụ nổi.
PV: Do đâu?
Cô Tấm: Do khách trong nước không còn muốn đến đây nữa. Từ lâu họ đã mất niềm tin, các sạp chợ đóng cửa hàng loạt mặc dù chẳng có chính quyền nào cấm đoán.
PV: Kỳ lạ nhỉ?
Cô Tấm: Kỳ lạ nhất là không phải chỉ có các mặt hàng lưu niệm, vốn là đặc thù của khách Tây mà mặt hàng ăn uống, trái cây cũng vắng nốt. Hóa ra dân thường đã bao năm chả tới chợ Bến Thành dùng những thứ này.
PV: Các hàng quán ban đêm thì sao?
Cô Tấm: Cũng dẹp nốt. Không một người dân nào của thành phố muốn tới ăn.
PV: Tóm lại?
Cô Tấm: Tóm lại là sau hàng chục năm sống kiêu kỳ, sống sang chảnh bằng Tây, dân chợ Bến Thành bỗng giật mình tỉnh giấc, bỗng thấm thía câu nói: "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Nhưng đã chậm mất rồi.
PV: Chậm như thế nào?
Cô Tấm: Hôm qua tôi vừa có dịp nói chuyện với một chủ sạp, ông chua chát nhận xét rằng chợ Bến Thành có thể sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa, nhất là khi ga tàu điện ngầm ở đây sắp xây xong và dưới đấy sẽ có một dãy siêu thị tối tân hiện đại.
PV: Tôi chưa nghĩ thế. Tôi cho rằng thế mạnh của chợ Bến Thành là các mặt hàng truyền thống.
Cô Tấm: Không có truyền thống nào tồn tại, nếu dựa theo việc sống bằng khách nước ngoài cả.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-co-tam-602003/