Phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn về một số điểm được và chưa được của tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2024.

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

- Thưa ông, ông có nhận xét gì về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2024?

- Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Phải nói rằng, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá đầy đủ, toàn diện bức tranh kinh tế xã hội của đất nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của sự biến đổi nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế khó khăn, thách thức và nguyên nhân chủ quan đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cần nhận diện đầy đủ để có giải pháp khắc phục.

Bước vào năm 2024, với quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng còn thấp, những động lực tăng trưởng kinh tế còn yếu, khu vực doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, môi trường tài chính, tiền tệ và thị trường một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số bất cập, hạn chế vốn tồn tại nhiều năm của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để; song đất nước ta đã vững vàng vượt qua các thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngày càng quyết liệt và đạt nhiều kết quả; vị thế, uy tín của đất nước ta được nâng lên, mở ra thời cơ và thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng thời gian tới. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông được xây dựng đồng loạt với 12 dự án cao tốc Bắc Nam và đưa vào khai thác với 575 km đường bộ cao tốc nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác 2000 km, đây là một đột phá. 110/111 quy hoạch hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; 6/6 quy hoạch vùng được phê duyệt là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng để hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Kết quả trên là rất đáng trân trọng; phản ánh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những quyết sách đúng đắn, sát với thực tế và sự ủng hộ, đồng lòng vượt qua khó khăn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản thì kinh tế - xã hội nước ta cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Tôi hoàn toàn thống nhất cao 10 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra mà Ủy ban Kiểm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn để nhận diện đầy đủ, toàn diện hơn những kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

- Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế về tình hình kinh tế - xã hội, theo ông trong thời gian tới Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm cải thiện những vấn đề gì

- Để khắc phục những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, Tôi xin kiến nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau đây:

Một là, ưu tiên có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tháo gỡ các nút thắt đã và đang tạo ra các điểm nghẽn cho sự phát triển môi trường đầu tư và kinh doanh mà trước hết là xây dựng niềm tin về cơ chế, chính sách để cán bộ, công chức khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thi hành công vụ và niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều rủi ro; xóa bỏ nhanh chóng những rào cản của thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Hai là, tiếp tục có các chính sách có tính đột phá, tích cực nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân gia nhập và tái gia nhập thị trường, phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển các nguồn lực của nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường xuất khẩu, khả năng tiếp cận vốn và năng lực hấp thụ vốn; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; tiếp tục xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu... Đồng thời, có các chính sách để kịp thời kiềm chế sự gia tăng giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tránh tạo ra tâm lý bất an cho người dân và doanh nghiệp. Về lâu dài, cần có các chính sách, giải pháp có tính chiến lược nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy nhanh, có hiệu quả quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Ba là, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở tại nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng sạt lở, xâm ngập mặn, nước biển dâng tại đồng bằng sông Cửu Long cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là mối quan tâm lo lắng của nhân dân đối với vấn đề an ninh lương thực của đất nước và tính ổn định, bền vững của đời sống nông nghiệp, nông dân và nông thôn đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, sự cần thiết hơn bao giờ hết và cũng không thể để chậm trễ hơn nữa là phải có biện pháp có hiệu quả trong giáo dục học đường nhất là giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh, thanh thiếu niên, chấm dứt các hành vi thiếu giáo dục, vi phạm đạo đức, bạo lực ..., xảy ra chính trong nhà trường, trong môi trường giáo dục. Đồng thời, sớm có giải pháp huy động toàn xã hội tham gia để ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sử dụng thức ăn, đồ uống không lành mạnh, không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây bệnh tật...đang rất phổ biến trong thanh thiếu niên, học sinh.

Năm là, video, hình ảnh thô tục, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng và nhất là livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội cần sớm được xử lý triệt để.

- Xin cảm ơn ông!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202405/phong-van-ong-le-huu-tri-tinh-uy-vien-pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-khanh-hoa-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-cua-nuoc-ta-trong-nhung-thang-dau-nam-2024-132702c/