Phòng vệ thương mại: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý
Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM), thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và nhà nước chủ trương tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế.
Trên thực tế, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (biện pháp PVTM) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật các nước cho phép nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. “Đối với Việt Nam, việc nâng cao năng lực PVTM thông qua thực hiện các điều ước quốc tế cũng như pháp luật trong nước về PVTM có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”- Bộ Công Thương khẳng định.
Đến nay, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế, nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu rộng, thể hiện ở việc tham gia WTO và 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Cũng như WTO, các FTA này đều quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PVTM.
Trên cơ sở quy định của WTO và các FTA, Việt Nam từng bước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về việc áp dụng các biện pháp PVTM, bao gồm: Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP về các biện pháp PVTM (Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2018/TT-BCT để kịp thời cập nhật những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai hoạt động quản lý nhà nước về PVTM); Thông tư ngày 30/9/2019 của Bộ Công Thương hướng dẫn áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP.
Như vậy, hiện hệ thống văn bản pháp luật về PVTM của Việt Nam về cơ bản đã khá đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế để thực hiện công tác về PVTM nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16/8/2018 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025.
Bộ Công Thương nhận định, Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025, cùng với các văn bản pháp luật liên quan sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và nhà nước đã đặt ra.
Đặc biệt, trước tình hình các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp PVTM có dấu hiệu gia tăng, Bộ Công Thương đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là một hành động, bước đi kịp thời, đúng đắn để sớm ứng phó, giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.
Bộ Công Thương đang thực hiện 3 thủ tục hành chính (gồm cả hình thức dịch vụ công trực tuyến) trong lĩnh vực PVTM. Theo kế hoạch, các dịch vụ công này sẽ kết nối với hệ thống Hải quan một cửa trong thời gian tới để tạo thuận lợi tối đa cho các bên liên quan, kể cả doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.