Phóng viên... 'cắm bản'

Gần 25 năm công tác ở Báo Phú Thọ đã được may mắn đi công tác nước ngoài với đầy đủ những cung bậc cảm xúc của nghề báo nhưng đọng lại trong ký ức về nghề có lẽ vẫn là những chuyến 'cắm bản' dài ngày, 'ba cùng' với bà con miền núi. Nơi đó, nhiều tác phẩm chân thực, nhiều kỷ niệm sâu nặng với đồng bào vẫn in đậm trong tâm trí các phóng viên Báo Phú Thọ. Từng con chữ, bài viết thẫm đẫm hơi thở cuộc sống cứ ngồn ngộn, chân thực hiện lên trên mỗi trang báo…

Đoàn cán bộ, lãnh đạo, phóng viên Báo Phú Thọ đi công tác huyện miền núi Tân Sơn.

(baophutho.vn) - Gần 25 năm công tác ở Báo Phú Thọ đã được may mắn đi công tác nước ngoài với đầy đủ những cung bậc cảm xúc của nghề báo nhưng đọng lại trong ký ức về nghề có lẽ vẫn là những chuyến “cắm bản” dài ngày, “ba cùng” với bà con miền núi. Nơi đó, nhiều tác phẩm chân thực, nhiều kỷ niệm sâu nặng với đồng bào vẫn in đậm trong tâm trí các phóng viên Báo Phú Thọ. Từng con chữ, bài viết thẫm đẫm hơi thở cuộc sống cứ ngồn ngộn, chân thực hiện lên trên mỗi trang báo…

1. Sinh Tàn- Bản xa xôi, hẻo lánh nhất của xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn luôn là điểm đến ưa thích của nhiều phóng viên Báo Phú Thọ. Không chỉ là một bản Dao khó khăn, khắc nghiệt những ngày đầu mà ấn tượng nhất ở nơi này là nét chân thật, hồn hậu của đồng bào Dao cùng nhiều “tứ” bài hay, ấn tượng. Nhớ hồi còn đường đất, vượt qua được đỉnh Èn Choong mây phủ mỗi sớm mai là đặt chân vào đất Sinh Tàn, cánh phóng viên như chạm vào một “miền cổ tích” với bao câu chuyện kỳ bí về đất và người nơi này. Đường đi khó khăn, trơn trượt, vô cùng vất vả, nếu gặp mưa rừng chỉ còn nước quấn dây chạc vào bánh xe máy mà… bò ra ngoài. Nhưng bù lại, những câu chuyện được phản ánh trên mặt báo bao giờ cũng là những bài viết đậm chất khám phá, trải nghiệm về văn hóa và con người cực kỳ thú vị này.

Phóng viên Báo Phú Thọ và nghệ nhân hát Ví, hát Rang Hà Thị Sóng, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn.

Nhớ lần đầu vào Sinh Tàn, đường lạ, khó đi, mãi đến tối mịt chúng tôi mới chạm vào được con dốc đầu bản. Làm công tác “dân vận” một hồi, chúng tôi đặt chân vào ngôi nhà lá thấp, mịt mù bóng đèn dầu của cụ Thận già làng của bản. Hồ hởi đón khách lạ nhưng như đã quen từ lâu, ông giục con đi bắt lợn mổ đãi phóng viên. Trong ánh đèn dầu mờ mờ (hồi đó bản chưa có điện) khi con lợn đã nằm trên mâm lá chuối, ông Thận mới quay ra hỏi tên, tuổi từng phóng viên rồi lầm rầm khấn gia tiên. Hỏi anh cán bộ xã dẫn đường, mới hay phải quý lắm người Dao ở đây mới mổ lợn đãi khách và quý hơn là họ cúng tên mình trước bàn thờ gia tiên, coi mình như người thân con cháu trong nhà.

Chuyến đi đó, ngoài những bài viết chân thực, chúng tôi còn giữ mối dây liên hệ bền chặt, để mỗi lần “cắm bản” ở Sinh Tàn, nhà ông Thận, nhà ông Chiêu- Bí thư Chi bộ… luôn là điểm đến nhờ sự giúp đỡ của các anh em phóng viên “cắm bản”. Và cũng chính cách sống đôn hậu của bà con nơi này cùng tình cảm bền chặt của phóng viên Báo Phú Thọ mà mối liên hệ giữa cơ sở và cơ quan báo, giữa phóng viên và bà con dân bản nơi đây vẫn luôn được gìn giữ cho đến tận hôm nay… để hàng năm, khi có dịp lại tìm về Sinh Tàn, để được vượt qua dốc Èn Choong cao vút, đẫm mình trong miền đất sơn cước với nhiều câu chuyện hay về sự đổi thay của vùng đất thân quen này.

2. Bến Thân- Bản xa nhất của xã Đồng Sơn và cũng là xã xa nhất của huyện miền núi Tân Sơn. Hồi còn đường đất, dù đi xe Win vào công tác nhưng khi đến con suối Thân đầu bản, bao giờ anh em phóng viên cũng phải dừng xe, lò dò lội qua từng bước vì khi ấy chưa có đập tràn, sau đó dựng xe, lau mặt, ngâm hai bắp tay tê dừ vì bám ghi đông xe trong làn nước trong mát rồi muốn đi đâu mới tính. Bến Thân cũng là bản có tục tắm suối. Mỗi khi chiều về, trên đầu nguồn con suối, trai gái sau buổi đi nương lại vục mình trong làn nước suối trong lành trước khi về nhà lo bữa cơm chiều. Là một bản Dao đẹp khi có đầy đủ suối chảy quanh năm, có hang động, có rừng già, đôi khi vẫn còn hàng chục con khỉ về chí chóe ở rặng cây cao cuối bản- Bến Thân lúc nào cũng thanh bình, hiền hòa và trọng khách.

Điều đặc biệt, dù đã đến ăn, ngủ nơi đây hàng chục lần, nhưng hình như cánh phóng viên chúng tôi vẫn chưa khám phá hết những câu chuyện lạ lẫm về đất và người nơi này. Những câu chuyện kỳ thú, những đổi thay ở bản Dao trong lành này dường như có sức hút kỳ lạ với những phóng viên hay “cắm bản”. Vào bản nhiều, chơi thân với bà con đến nỗi nhiều người dù lâu không vào vẫn nhớ mặt, nhớ tên. Kỷ niệm đáng nhớ nhất sau những lần “cắm bản” là được anh Hồng (trước là công an viên, nay đã mất) mời vào ăn cưới con gái đúng hôm sạt núi, lấp đường. Không có cách nào khác, cánh phóng viên phải gửi xe bên ngoài, leo núi vào ăn cưới và lại leo bộ ra để về xuôi khi trời đã tối mịt mù với bao nguy hiểm do sợ rắn độc, sợ đá lăn bất thình lình…

Hàng chục bài viết về Bến Thân đã in báo, hàng trăm kỷ niệm với bà con, đồng đất nơi đây nhưng dường như với Bến Thân- địa chỉ này luôn thôi thúc phóng viên tìm về “ba cùng” với bà con bản Dao để được trải nghiệm và hóa thân thành những con chữ nóng hổi trên mặt báo Đảng về sự đổi thay mạnh mẽ ở nơi này… Bến Thân- bản Dao gắn liền với thời tuổi trẻ sôi nổi của nhiều phóng viên “cắm bản” và cũng là nơi xuất phát của nhiều bài viết hay, trên Báo Phú Thọ qua các thời kỳ…

3. Trung Sơn- xã xa nhất của huyện miền núi Yên Lập, nơi có sáu khe, trong đó có bản người Mông Khe Nhồi với bao kỷ niệm của những lần “cắm bản”, ăn cùng ngủ cùng với các thầy cô giáo và bà con bản Mông, với “Người thầy trong khe núi Vi Công Thúy”- Giáo viên Trường tiểu học Trung Sơn B luôn trăn trở tìm cách truyền đạt kiến thức một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất cùng những cải tiến trong dạy và học sau nhiều đêm chong đèn mất ngủ cùng gió núi, mưa rừng nơi này với tình yêu thương học sinh mãnh liệt. Những cái tên khe Nhồi, khe Măng, khe Bóp… luôn là điểm đến thu hút các phóng viên yêu nghề, ham “cắm bản”…

Những câu chuyện hạ sơn, chuyện sinh kế của bà con, chuyện học của lũ trẻ luôn mang đến nhiều háo hức khám phá rồi sau đó hình thành những bài viết nóng hổi, những con chữ “đi từ trong rừng ra” phản ảnh sinh động về nơi đã từng có thời là “hang cùng ngõ hẻm” của tỉnh nhà bởi sự xa xôi, cách trở và khó khăn. Thầy Thúy đã có lần thân mật vỗ vai tôi trong một đêm mưa bên mâm rượu nhạt rằng: Nếu không có những phóng viên dám bám bản như anh em Báo Phú Thọ thì có khi lâu lắm Trung Sơn mới được lên mặt báo Đảng.

Cũng từ sự yêu nghề, từ niềm đam mê khám phá những vùng đất lạ, cách trở… mà sự thay đổi hàng ngày của Trung Sơn- nơi thâm sơn cùng cốc năm nào luôn được phản ảnh kịp thời trên mặt báo, qua từng bài viết để động viên bà con người Mông, người Dao nơi này luôn nỗ lực vươn lên, tìm kiếm sự thay đổi trong cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả. Không ai khác, chính những phóng viên “cắm bản” đã luôn đồng hành cùng bà con, trong từng bài viết… để bạn đọc cảm nhận được sự đổi thay hàng ngày ở các vùng đất qua từng trang báo mang đầy hơi thở cuộc sống…

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202204/phong-vien-%E2%80%9Ccam-ban%E2%80%9D-183924