Phóng viên khó tiếp cận phiên xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long
Sáng 19/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long cùng 27 bị can liên quan.
Sáng nay, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông 3.
Trong vụ án trên, bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long bị truy tố về hai tội danh "Tham ô tài sản" và “Nhận hối lộ”.
Từ sáng sớm, nhiều người dân cùng hàng chục phóng viên đại diện của các báo, tạp chí có mặt tại cổng TAND tỉnh Quảng Ninh, nhưng khu vực trên bị lực lượng chức năng phong tỏa cấm đường.
Đây là phiên tòa được mở công khai nhưng cơ quan báo chí bị hạn chế vào tham dự. TAND tỉnh Quảng Ninh chỉ cho một số báo tham dự để đưa tin.
Các phóng viên đã xuất trình thẻ nhà báo và đề nghị được vào bên trong tham dự phiên tòa nhưng bị lực lượng chức năng từ chối với lý do không có trong danh sách.
Trước đó, sáng 17/4, một số phóng viên của các cơ quan báo chí có buổi làm việc trực tiếp với Chánh văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được tham dự phiên tòa.
Vị đại diện này yêu cầu các phóng viên có đơn tham dự tòa kèm bản chứng thực thẻ nhà báo để tòa xem xét. Sau đó các phóng viên đã hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu và nộp lại cho vị Chánh văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh vào lúc 10h30 cùng ngày.
Đến sáng 18/4, Chánh văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh thông báo những phóng viên này không được vào tham dự, đưa tin!?
Đến sáng 19/4, ngày xét xử công khai vụ án trên, đoạn đường trước TAND tỉnh Quảng Ninh bị phong tỏa, chỉ những người có trong danh sách mới được vào bên trong.
Hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí đều phải ngồi ngoài đường để “hóng” thông tin qua chiếc loa lúc tịt lúc rè phát ra từ bên trong sân của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều phóng viên bức xúc cho rằng, TAND tỉnh Quảng Ninh làm trái với Luật báo chí.
Theo khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định về "Quyền và nghĩa vụ của nhà báo" như sau:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.