Phóng viên TTXVN tại Israel: Tác nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh

Trong chiến tranh, kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp độc lập là yếu tố 'sống còn' để phóng viên TTXVN có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho bản thân.

Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Gaza ngày 15/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Gaza ngày 15/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc đụng độ quân sự 11 ngày đêm giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas của Palestine vào trung tuần tháng 5/2021 đã gây ra không ít khó khăn, nguy hiểm cho các phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Israel.

Trong chiến tranh, kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp độc lập là yếu tố “sống còn” để phóng viên có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho bản thân.

Ngay sau khi chiến sự nổ ra, Cơ quan thường trú đã cắt cử 3 phóng viên luân phiên nhau trực đưa tin nóng và theo dõi tình hình địa bàn để báo cáo về TTXVN.

Ngày đầu tiên, tên lửa và đạn pháo (rocket) bắn rất nhiều, đến gày thứ hai xung đột, đạn pháo rơi trúng thành phố Askhelon, gây thương vong và phá hủy nhiều tài sản. Một số khu dân cư sát thành phố Tel Aviv cũng bị tên lửa rơi trúng, khiến 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương.

Hai phóng viên Cơ quan thường trú lập tức chia nhau đi các nơi bị rocket đánh trúng để lấy những hình ảnh thực tế sinh động nhất. Ngay trong buổi sáng, những tấm ảnh đầu tiên đã được gửi về, phơi bày hậu quả tàn khốc của cuộc xung đột.

Thành phố Askhelon gần biên giới với Dải Gaza và cách Tel Aviv hơn 1 giờ lái xe là một trong những nơi bị bắn phá dữ dội nhất. Trên đường đi, phóng viên phải luôn quan sát để dừng xe bất cứ khi nào có còi báo động tên lửa. Có thể núp tạm vào một trạm chờ xe buýt bằng bê tông bên đường, nếu không kịp chạy thì nằm rạp xuống đường, dùng hai tay che chắn phần đầu và cổ. Quay hình, chụp ảnh, phỏng vấn, dẫn hiện trường, mà chỉ có một mình nên phải rất cơ động, gọn nhẹ và phải làm chủ các thiết bị kỹ thuật.

Xong tin thời sự tại Askhelon, phóng viên tiếp tục đi Jerusalem để kịp dẫn hiện trường cho chương trình “Thế giới toàn cảnh” của Truyền hình Thông tấn, trước khi về văn phòng tại Tel Aviv hoàn thành các bài phân tích, nhận định. Tin, bài, ảnh đều phải xử lý tại chỗ. Việc chuẩn bị sẵn một số đồ ăn nhanh, nước uống trên xe ôtô những ngày này là không bao giờ thừa.

Công tác tại một địa bàn có chiến tranh, tinh thần cảnh giác trước các mối nguy hiểm cũng phải luôn thường trực. Cũng giống như người dân bản địa, các phóng viên đều phải cài đặt phần mềm cảnh báo rocket trên điện thoại để biết khu vực rocket có thể sẽ rơi trúng và thời gian cho phép di chuyển tìm chỗ trú ẩn.

Bình thường phần mềm này dùng để theo dõi thông tin xung đột, không ai nghĩ nó sẽ luôn đỏ rực ở Tel Aviv, nơi có trụ sở của Cơ quan thường trú.

Các căn hộ của phóng viên đều có phòng trú ẩn ngay trong nhà hoặc gần cầu thang bộ cùng tầng. Đó là một căn phòng kiên cố, nằm ở phía trong của tòa nhà, có hệ thống thông gió. Cửa chính chống cháy, cửa sổ nếu có sẽ được gia cố thêm 2 tấm thép dày để chống mảnh đạn. Mỗi khi có còi báo động vang lên, cả gia đình đều phải chui vào phòng trú ẩn, sau 10 phút hết báo động mới được ra ngoài.

Ngày 13/5, có nguồn tin khẩn cho biết Mỹ chuẩn bị sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Israel và quân đội Israel sắp đổ bộ vào Dải Gaza, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ nổ ra.

Ngay lập tức, Cơ quan thường trú đã trao đổi nhanh các tình huống sơ tán khỏi vùng chiến sự, liên lạc với cơ quan chức năng, báo cáo về nhà, chuẩn bị lương thực, nước uống cho 1-2 tuần, lên phương án bảo vệ tài sản cơ quan, lập danh sách các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp…

Sân bay quốc tế đã đóng cửa vì mất an toàn, trong tình huống xấu nhất có thể phải di chuyển bằng đường bộ về phía Đông Bắc, qua biên giới với Jordan. Rất may thực tế đã không xảy ra, nhưng việc chuẩn bị sẵn các tình huống nguy hiểm để có biện pháp xử lý phù hợp là rất cần thiết.

Hoàn cảnh khó khăn buộc phóng viên phải sáng tạo trong tác nghiệp. Một số phóng sự về cuộc sống của Việt kiều, sinh viên Việt Nam sinh sống tại các khu vực chiến sự phải thực hiện qua điện thoại và hướng dẫn nhân vật tự quay clip.

Trong vụ tên lửa rơi ở quận Ramat Gan, phóng viên đã liên hệ với người quen sống ở gần đó để xin khai thác lại ảnh. Dù địa điểm chỉ cách trụ sở Cơ quan thường trú khoảng 6km, nhưng rocket bắn dữ dội, việc ra tận nơi để lấy tin là quá nguy hiểm. Xác định ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn tính mạng, một số cảnh rocket và tên lửa trên bầu trời phải đặt sẵn máy quay trước khi vào phòng trú ẩn. Ra hiện trường phải canh thời điểm tên lửa ít bắn, thường là quãng 3-5 giờ chiều.

Khi tác nghiệp tại thành phố Lod, điểm nóng bạo lực giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Israel, Cơ quan thường trú cử hai phóng viên đi cùng nhau để có thể hỗ trợ kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Thay vì máy quay phim chuyên dụng, phóng viên sử dụng điện thoại kẹp trên chân máy, vừa tránh sự chú ý không cần thiết của những phần tử quá khích mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh.

Khi đỗ xe cũng phải lưu ý chếch mũi xe ra phía ngoài để có thể nhanh chóng lên xe rút lui nếu xảy ra biến cố. Trên thực tế, đã có khoảng 20 phóng viên, nhà báo tại Israel bị tấn công và đe dọa tính mạng khi tham gia đưa tin tại các khu vực xảy ra bạo lực, có cộng đồng Do Thái và Arab Hồi giáo cùng sinh sống.

Trong 11 ngày diễn ra chiến sự, Cơ quan thường trú đã sản xuất hàng trăm tin, bài, ảnh, phỏng vấn, tin truyền hình, báo cáo..vv.., bao gồm cả phóng sự, dẫn hiện trường, bài phân tích tổng hợp, bài viết theo đặt hàng của các đơn vị xuất bản trong cơ quan. Gần nửa tháng sôi sục với tin bài và những tình huống nguy hiểm đã để lại những trải nghiệm khó quên đối với các phóng viên TTXVN tại Israel./.

Vũ Hội (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phong-vien-ttxvn-tai-israel-tac-nghiep-trong-hoan-canh-chien-tranh/721278.vnp