Phớt lờ cảnh báo, ngân hàng 'mắc kẹt' hơn 180 tỷ đồng

Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với ông Đỗ Quốc Hùng (SN 1963, cựu giám đốc một chi nhánh ngân hàng) và các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Công ty TNHH Cheermaster thành lập tại tỉnh Hải Dương để thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark. Dự án nằm trên khu đất 46,4ha tại km47, quốc lộ 5, xã Việt Hòa và Tứ Minh – Hải Dương. Vốn đầu tư dự án là 1.594 tỷ đồng (khoảng hơn 98 triệu USD).

Tổng giám đốc Công ty Keanmark kiêm đại diện pháp luật là ông Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ), còn Chủ tịch HĐQT là ông Hwang Ding Kuo (quốc tịch Đài Loan).

Để có tiền thực hiện dự án, ngày 4/2/2008, Công ty Kenmark ký hợp đồng tín dụng vay vốn hơn 67,6 triệu USD của nhóm ngân hàng. Đảm bảo cho khoản vay trên là tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản trên đất dự án, giá trị dự kiến hơn 10,8 triệu USD; quyền sử dụng hơn 440.000 m2 đất tại xã Việt Hòa và xã Tứ Minh (TP Hải Dương). Ngoài ra, còn có bảo lãnh của Công ty TNHH Kenmark Industrial (Đài Loan).

CHO VAY PHỚT LỜ CẢNH BÁO CỦA CIC

Cáo trạng thể hiện, theo điểm b, khoản 1, Điều 36; khoản 2, Điều 37 Luật Xây dựng 2003, hồ sơ pháp lý dự án không có tài liệu “phê duyệt thiết kế cơ sở các hạng mục nhà xưởng”.

Mặt khác, quy định Điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 về điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án phải có “vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án”.

Song hồ sơ thể hiện: Báo cáo tài chính quý 3/2007, vốn chủ sở hữu là 79 tỷ đồng; Báo cáo tài chính tại ngày 31/3/2009 là hơn 245 tỷ đồng, lần lượt tương đương là 4,9% và 15,4% tổng vốn đầu tư.

Đặc biệt, tài liệu do Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) thể hiện Công ty Cheermaster (công ty mẹ) có chỉ số rủi ro cao, không tồn tại văn phòng hoạt động, giấy phép thành lập của công ty được sử dụng với mục đích miễn trừ thuế.

Thông tin của CIC còn thể hiện đơn vị bảo lãnh là Công ty Kenmark Industrial có vốn hơn 7,5 triệu USD, vốn chủ sở hữu là 17,5 triệu USD; lợi nhuận ròng năm 2006 chỉ có 1,5 triệu USD.

Mặt khác, Công ty Keanmark lần đầu thành lập ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm kinh doanh. Dự án có 6 nhà đầu tư thứ cấp là 6 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng với Công ty Keanmark. Nhưng đáng nói là cả 3 công ty này đều thuộc sở hữu của ông Hwang Ding Kuo.

Cáo trạng cho rằng, hồ sơ của Công ty Keanmark không đầu đủ, phương án kinh doanh không khả thi, năng lực tài chính không đảm bảo trả nợ, vi phạm quy định tại Điều 7 Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định 1627 ngày 31/12/2001 của Ngân hàng nhà nước về điều kiện vay vốn.

Tuy nhiên, ngày 11/12/2007, Tổ thẩm định vẫn báo cáo thẩm định dự án, đánh giá Công ty Keanmark đáp ứng các điều kiện cho vay và đề xuất cho vay tối đa hơn 67,6 triệu USD.

Ngày 12/12/2007, ông Đỗ Quốc hùng ký tờ trình số 0331 đề nghị ngân hàng xét duyệt cho vay. Sau khi có ý kiến của một số thành viên Hội đồng tín dụng, ngân hàng chấp thuận phê duyệt cho vay tối đa 68 triệu USD và yêu cầu giải ngân 2 bước.

Theo thỏa thuận hợp tác cho vay ngày 5/2/2008, ngân hàng này đã cam kết cho vay hơn 39 triệu USD, trong đó chi nhánh ngân hàng do Đỗ Quốc Hùng làm giám đốc là hơn 15,1 triệu USD.

GIẢI NGÂN KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh các công ty nước ngoài nhận tiền do bán nguyên vật liệu, thi công xây lắp nhà xưởng cho Công ty Kenmark. Kết quả xác minh cho thấy, có 2 doanh nghiệp tại Hồng Kông không đăng ký, không hoạt động kinh doanh và không có thông tin.

Cơ quan điều tra cũng xác định, các ngân hàng không thực hiện đúng yêu cầu về hình thức giải ngân hai bước. Bước một là giải ngân phần xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; bước hai, chỉ giải ngân vốn vay đối với phần xây dựng nhà xưởng sau khi chủ đầu tư đạt được thỏa thuận chính thức với nhà đầu tư thứ phát về việc thuê nhà xưởng)…

Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, Công ty Kenmark không phát sinh thêm doanh nghiệp nào ký hợp đồng thuê nhà xưởng. Mặc khác, Công ty Kenmark mới cơ bản hoàn thành đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật của 13/27 nhà xưởng song các ngân hàng đã giải ngân.

GIÁM ĐỐC MỸ VỀ NƯỚC, NGÂN HÀNG “MẮC KẸT”

Theo cáo trạng, từ năm 2008-2010 các ngân hàng đã giải ngân số tiền hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 26/6/2010, Công ty Kenmark thông báo về việc tạm dừng hoạt động. Đại diện pháp luật của công ty đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Các ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo và bán đấu giá, thu lại gần 757 tỷ đồng. Đối trừ phần công nợ công ty đã trả, tính đến ngày 27/9/2020, dư nợ gốc còn lại là hơn 15,5 triệu USD, tương đương hơn 360,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, các cán bộ thuộc hai ngân hàng đã nộp gần 140 tỷ đồng là số dư nợ gốc của Công ty Kenmark tại hai ngân hàng này. Có 2 cán bộ thuộc ngân hàng thứ 3 đã khắc phục hơn 38 tỷ đồng và được xem xét không xử lý trách nhiệm hình sự.

Cho đến nay, dư nợ của Công ty Keanmark không thu hồi được tại 3 chi nhánh của ngân hàng thứ 3 là hơn 7,8 triệu USD, tương đương hơn 181 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, ông Đỗ Quốc Hùng đã phát hiện Công ty Keanmark và Công ty Cheermaster có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam. Dự án không khả thi và đảm bảo các điều kiện vay nhưng ông Hùng vẫn ký văn bản đề nghị ngân hàng phê duyệt cho vay, đồng thời tham gia phê duyệt giải ngân hơn 12 triệu USD.

Đỗ Mến -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phot-lo-canh-bao-ngan-hang-mac-ket-hon-180-ty-dong.htm