Phớt lờ cơn đau ngực trái nguy cơ đối mặt nhiều bệnh nguy hiểm
Nhiều người có biểu hiện đau ngực trái nhưng chủ quan không đi khám vì chưa thấy ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt là những người có bệnh dạ dày, trào ngược. Đến khi cơn đau nặng lên, thậm chí phải cấp cứu, mới bàng hoàng khi biết đã gặp cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Đau như có tảng đá đè lên ngực
Nhiều người kêu than thỉnh thoảng lại bị cơn đau ngực trái làm phiền. Mỗi lần đau giống như có tảng đá đè trên ngực. Cảm giác đau thắt như bị bóp nghẹt, gây khó thở, có trường hợp đau nhói như có ai đó dùng vật nhọn đâm vào. Cơn đau thường chỉ diễn ra trong phút chốc rồi tan biến, nhưng có thể tái phát bất cứ lúc nào hoặc thay đổi cường độ (đau hơn).
Cơn đau ngực trái có thể lan tỏa đến lưng, cổ, hàm, vai hoặc lan xuống cánh tay. Đau thường tăng lên khi vận động mạnh.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đau ngực đứng thứ hai trong những triệu chứng đau phổ biến và là nguyên nhân gây đột tử nhiều nhất.
Mặc dù vậy, trên thực tế chỉ có khoảng một phần tư người bệnh có nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của triệu chứng này và được xử trí kịp thời. Còn đại đa số vẫn chủ quan trước những cơn đau ngực trái mức độ nhẹ. Nhất là khi họ biết đau ngực trái có thể do chứng trào ngược dạ dày tác động.
Phớt lờ cơ đau ngực trái - nguy cơ đối mặt nhiều bệnh nguy hiểm
Anh N.M.B (49 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) còn chưa hết bàng hoàng khi kể lại lần thoát hiểm may mắn của mình. “Tôi bị đau ngực trái vài lần khi đang ngồi làm mấy việc lặt vặt, cơn đau đến bất ngờ như vặn thắt trong ngực. Ngồi nghỉ ngơi một lúc thì thấy bớt đau, lại nghĩ là do bị trào ngược dạ dày gây đau lên ngực. Vài lần như thế tôi cũng bỏ qua không đi khám.”
Thế rồi, khoảng 2 tháng sau anh B phải nhập viện trong một lần cơn đau ngực trái lại ập đến nhưng nặng hơn. “Cảm giác đau thắt dữ dội, kéo dài hơn và ghê gớm hơn mọi khi mà sau đó tôi mới biết là cơn nhồi máu cơ tim cấp.” - anh kể lại. Anh B đã rất may mắn khi còn đủ tỉnh táo để gọi cho người thân đưa đi cấp cứu. Còn nhiều trường hợp khác đã bất tỉnh khiến người xung quanh khó biết sớm để hỗ trợ.
Ngoài ra, không chỉ cảnh báo chứng nhồi máu cơ tim, cơn đau ngực trái còn có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác như:
- Bệnh tiêu hóa: Trào ngược dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp,..
- Bệnh tim mạch: Nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, đau thắt ngực không ổn định, đau thành ngực, viêm màng ngoài tim, bóc tách động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ,...
- Bệnh lý về phổi: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, tràn dịch - tràn khí màng phổi, xẹp phổi,..
- Bệnh lý cơ và xương: Viêm khớp sụn sườn, đau cơ thành ngực, chấn thương ngực, gãy xương sườn,..
Chuyên gia “hóa giải” căn nguyên gây đau ngực trái kéo dài
PGS, Bác sĩ CKII, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh - Chuyên gia Tim mạch hàng đầu với hơn 30 năm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao, nguyên Chủ nhiệm khoa Nội cán bộ A1- Bệnh viện 108, nay là bác sĩ Nội Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết: “Đau ngực trái do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nếu xét theo mức độ phổ biến thì đây có thể là biểu hiện của bệnh đường tiêu hóa (chiếm khoảng 42%). Nhưng có một nguyên nhân đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, còn được ví là “kẻ giết người thầm lặng”. Đó chính là nhóm bệnh về tim mạch (chiếm hơn 31%). Tuy nhiên còn nhiều người chủ quan, bỏ qua hoặc không hề nghĩ tới.”
Cũng theo PGS. Nguyễn Văn Quýnh, những người ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên có khả năng đau ngực trái do mắc bệnh tim mạch cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi. Tiêu biểu phải kể đến bệnh mạch vành, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim và đột quỵ.
Trường hợp này xảy ra nhiều hơn ở những người có tiền sử mắc các bệnh như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, mỡ máu, hút thuốc, người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch. Bệnh lý tim mạch ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Số người có biểu hiện đau ngực trái do mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng.
PGS Nguyễn Văn Quýnh khuyên người bệnh hãy lắng nghe cơ thể, khi có những dấu hiệu bất thường và thường xuyên xảy ra như cơn đau ngực trái, nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, ngăn biến chứng nguy hiểm.